Nghịch lý nhập khẩu và trách nhiệm công dân
Trách nhiệm công dân của mỗi nhà doanh nghiệp và mỗi người tiêu dùng Việt Nam cần được phát huy khi tình trạng nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm trong nước đã sản xuất được như hiện nay
Những ngày này, theo thông báo của Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lượng xăng dầu tồn kho tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất là 70.000 tấn và nếu không có giải pháp kịp thời thì đến cuối năm nay, lượng tồn đọng này sẽ tăng lên gấp 10 lần con số hiện nay.
Lạ thật! Một đất nước triền miên phải nhập khẩu tất cả các loại xăng dầu để sử dụng ở trong nước mà nay khi bắt đầu sản xuất được xăng dầu thì lại để tồn đọng trong kho và tiếp tục bỏ ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu. Mà không chỉ xăng dầu, nghịch lý này đang xảy ra với nhiều mặt hàng khác.
Đã từng xảy ra rất nhiều lần, ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong khi hàng nông lâm thủy sản tươi sống của Việt Nam bị dồn ứ, tồn đọng đến thối nát phải đổ bỏ thì hàng đoàn xe ăm ắp rau quả từ bên kia biên giới lại nối đuôi nhau vào thị trường trong nước rồi tỏa đi các địa phương. Đủ cả - từ bắp cải, khoai tây, hành tỏi, nấm, mộc nhĩ, cho đến dưa hấu, táo, lê, cà chua.
Thậm chí tại các cửa khẩu lớn nhỏ, những mặt hàng nghe thật vô lý vẫn ùn ùn được nhập vào trong nước. Nào tăm tre, đũa, giấy, nào giày dép, quần áo, đồ gia dụng, lớn nữa là xe máy, ô tô, máy tuốt lúa, máy bơm nước, máy phát điện. Rồi ở các cửa khẩu của các tỉnh phía Nam, các mặt hàng như đường, lúa, gạo cũng ùn ùn về từ bên kia biên giới nhập vào.
Kinh ngạc hơn nữa là số liệu nhập khẩu tăm. Tại TP.HCM, trong một tháng chỉ riêng ở cảng Cát Lái đã có tới 200 tấn tăm tre được nhập về, và số ngoại tệ bỏ ra để nhập số tăm này là hơn 25.000 USD.
Vào mỗi kỳ sơ kết tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, một trong những chỉ tiêu được đông đảo các nhà quản lý và cả nhân dân quan tâm là mức nhập khẩu và tỷ lệ nhập siêu. Lâu nay, mức nhập khẩu và tỷ lệ nhập siêu luôn là số liệu mang vẻ ám ảnh về một sự phát triển thiếu ổn định của nền kinh tế.
Tất nhiên với một đất nước đang phát triển như chúng ta, thì việc nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên liệu đầu vào của sản xuất và những hàng hóa chúng ta chưa sản xuất được là điều cần thiết. Đáng nói ở đây là chuyện nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, nhất là hàng hóa trong nước đã sản xuất được.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và theo cam kết của nước ta với các tổ chức quốc tế mà chúng ta tham gia, đặc biệt là với WTO, hầu hết hàng hóa của các nước đều được xuất nhập khẩu với mức thuế hải quan nhỏ nhất có thể để tiến tới tự do thương mại toàn cầu. Đó là điều mà mọi thành viên của các tổ chức phải tuân thủ. Nhưng cùng với các quy định và cam kết ấy còn có nhiều yếu tố khác khiến cho các loại hàng hóa ngoại không thể cứ ào vào thị trường trong nước để cạnh tranh và chèn ép hàng trong nước.
Một trong những yếu tố quan trọng ở đây là trách nhiệm công dân của mỗi nhà doanh nghiệp và mỗi người tiêu dùng Việt Nam.
Theo quy luật, có cầu thì sẽ có cung, hàng hóa có tiêu thụ được thì doanh nghiệp mới nhập khẩu. Xét về hiệu quả kinh doanh, các nhà doanh nghiệp không hề có lỗi khi nhập khẩu hàng hóa, thậm chí còn có thành tích làm lợi cho doanh nghiệp, đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Xét về nhu cầu tiêu dùng, thì người dân cũng không hề có lỗi. Khi hàng hóa trên thị trường phong phú, đa dạng, người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng hóa phù hợp với nhu cầu của mình, trong đó có nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu, thậm chí hàng được gọi là xa xỉ, không khuyến khích nhập khẩu và không khuyến khích tiêu dùng.
Tuy nhiên, xét về trách nhiệm công dân thì mỗi doanh nghiệp và mỗi người tiêu dùng cần có những hành động sáng suốt và hợp lý. Không lẽ chúng ta cứ mặc cho tồn kho hàng trăm nghìn tấn xăng dầu trong nước đã sản xuất được với hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đóng băng rồi tiếp tục chi ngoại tệ nhập khẩu từ nước ngoài cũng sản phẩm xăng dầu. Không lẽ người tiêu dùng cứ bỏ mặc người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long khó khăn với những con cá ba sa không bán được để nhập khẩu từ Australia hay Nhật Bản con cá sapa chỉ để thỏa mãn ý thích sử dụng hàng ngoại? Cũng không lẽ các nhà sản xuất trong nước cứ buộc người tiêu dùng phải sử dụng những mặt hàng không hề đáp ứng được hoặc chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu của họ?
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị BCH TW Đảng khóa X phát động mang ý nghĩa thật lớn lao. Mục tiêu “ưu tiên” ở đây vừa là sự khuyến khích, động viên lại vừa đáp ứng được yêu cầu tuân thủ các cam kết kinh tế quốc tế chung.
Cuộc vận động cũng là nhằm kêu gọi người tiêu dùng Việt Nam hãy sử dụng hàng Việt Nam, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng. Với các nhà doanh nghiệp, cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Có nghĩa là để khắc phục nghịch lý nhập khẩu và nêu cao trách nhiệm công dân, điều quan trọng nhất vẫn là sự hưởng ứng thật sự, tự giác của các nhà doanh nghiệp và người tiêu dùng./.