Người nước ngoài nuôi cá ở vùng biển Việt Nam: Chính quyền không biết?

Hơn 20 người nước ngoài sinh sống, làm việc trên địa bàn Khánh Hòa, Phú Yên đến hơn 10 năm mà chính quyền, ngành chức năng đều không có động thái gì.

Thông tin về người nước ngoài nuôi cá trên vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; ở Vũng Rô, tỉnh Phú Yên một thời gian dài mà không được xử lý đang gây xôn xao dư luận. Hiện tượng bất thường đó buộc chúng ta phải đặt câu hỏi, trách nhiệm của cơ quan quản lý và ngành chức năng ở địa phương đến đâu? Vì sao hơn 20 người nước ngoài sinh sống, làm việc trên địa bàn đến hơn 10 năm mà chính quyền, ngành chức năng đều không có động thái gì? Buông lỏng quản lý và không tuân thủ quy định của pháp luật là nguyên nhân trực tiếp của sự việc này.

Qua công tác kiểm tra định kỳ hàng năm cho thấy, hầu hết các lồng bè nuôi thủy hải sản trên vịnh Cam Ranh đều tự phát, không đúng quy hoạch, ở Vũng Rô – Phú Yên là 100% không có giấy phép. Cũng qua đợt kiểm tra này, Công an thành phố Cam Ranh phát hiện 23 người nước ngoài đang sinh sống, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên vùng vịnh Cam Ranh từ năm 2001 đến nay. Trong số đó có cả người núp bóng các doanh nghiệp Việt Nam để mua bán hải sản, có cả người không có thị thực hoạt động thương mại.

Lồng bè người nước ngoài nuôi cá trên vịnh Cam Ranh (ảnh: TP)

Điều đáng nói là khi phát hiện ra sự việc, các cấp, ngành có liên quan đều “bất ngờ” và không rõ chức năng, thẩm quyền của mình như thế nào. Dư luận cũng thực sự “bất ngờ” trước sự loay hoay, đùn đẩy của những người có trách nhiệm.

Thực tế ở Khánh Hòa, Phú Yên đã chứng minh điều đó. Hàng chục người nước ngoài sinh sống, làm việc tại các địa bàn này không giấy phép lao động, không đăng ký tạm trú. Hàng chục năm qua, không có cơ quan chức năng nào quản lý họ, yêu cầu họ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về lao động, về cư trú.

Trong khi đó, lao động Việt Nam được đưa ra nước ngoài làm việc phải đáp ứng rất nhiều loại giấy tờ. Khi chuyển sang làm việc cho chủ sử dụng khác, cũng phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý nước sở tại. Lao động ở đâu, làm gì, cơ quan quản lý của các nước ấy đều biết. Có vấn đề gì xảy ra, họ xử lý kịp thời, đúng luật pháp quốc tế, luật pháp của nước sở tại.

Luật pháp Việt Nam cũng không thiếu quy định về quản lý lao động nước ngoài và người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Nghị định 34, Nghị định 46 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài tại Việt Nam. Tại khoản 1, điều 9, Nghị định 34/2008-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, quy định, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc thời hạn trên 03 tháng phải có giấy phép lao động. Nếu người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Công an ra quyết định trục xuất khỏi Việt Nam theo quy định của pháp luật. Luật Cư trú cũng ra quy định rất rõ về khu vực biên giới và địa bàn ven biển là khu vực biên giới.

Như vậy, trách nhiệm trong việc quản lý lao động người nước ngoài ở các khu vực này thuộc chính quyền, bộ đội biên phòng, công an, ngành lao động xã hội. Quy định rõ ràng là vậy, nhưng người nước ngoài làm việc ở đây không chỉ 3 tháng, mà kéo dài cả chục năm nay vẫn không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Năm 2009, sau khi phát hiện có 6 người nước ngoài nuôi cá trong vịnh Cam Ranh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo xử lý nghiêm những người vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Nhưng đến nay, giữa năm 2012, tỉnh Khánh Hòa vẫn “đang xử lý”. Trong khi chờ đợi các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng “có biện pháp xử lý”, một số người này đã lặng lẽ rời khỏi khu vực họ sinh sống, buôn bán, lao động từ bấy lâu nay. Họ đến không ai biết và lúc họ đi cũng chẳng ai hay!

Vẫn biết, quản lý lao động người nước ngoài hiện có nhiều khó khăn. Nhưng việc chính quyền tỉnh Khánh Hòa để người nước ngoài nuôi cá trái phép từ năm 2001 đến nay mới biết, thì quả là vô cùng thiếu trách nhiệm. Cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đang tiến hành kiểm tra, xem xét lại sự việc để có biện pháp xử lý kiên quyết những vi phạm. Việc làm ấy tuy muộn nhưng là cần thiết.

Nếu như các cấp chính quyền, ngành chức năng thực hiện đúng quy định của pháp luật thì tình trạng thương lái nước ngoài lừa đảo, lao động nước ngoài cư trú, làm việc bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam đã không xảy ra. Thực tế đã cho thấy, những hoạt động bất hợp pháp của lao động người nước ngoài đã ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế - xã hội; an ninh trật tự, an ninh quốc phòng, gây bất ổn về chính trị - xã hội ở một số địa phương.

Cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý; phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của từng cấp, từng ngành; thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát, không để xảy ra sự cố rồi mới tìm biện pháp xử lý là bài học sâu sắc rút ra từ sự việc này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên