Người tố cáo tham nhũng sẽ được bảo vệ
Việc đưa quy định bảo vệ người tố cáo vào trong Luật sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng triển khai thời gian tới.
Thời gian gần đây, nhiều người tố cáo chống tham nhũng đã bị trả thù bằng những thủ đoạn khác nhau do chưa có cơ chế bảo vệ hiệu quả. Chính vì vậy, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII vừa thông qua Dự thảo Luật Tố cáo, trong đó dành hẳn một chương quy định bảo vệ người tố cáo. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng triển khai trong thời gian tới.
Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội từng bị trả thù do tố cáo chống tham nhũng. Khi được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy phường từ năm 2005, ông đã tố cáo lên cấp trên và kiên quyết chỉ đạo giải quyết 14 vụ việc sai phạm về đất đai tồn đọng nhiều năm qua trên địa bàn phường. Tuy làm việc vì lợi ích chung, với thái độ kiên quyết, nhưng ông đã bất ngờ bị Quận ủy Cầu Giấy cho thôi chức vụ. Chưa hết, ông còn bị kẻ xấu đe dọa, uy hiếp tính mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình.
Đại biểu Quốc hội khóa XIII thảo luận về Dự thảo Luật Tố cáo |
“Có những kẻ đến nhà tôi lăng mạ, hạ nhục tôi trước gia đình, thậm chí có những kẻ mang dao đến, ép tôi ra khỏi nhà để nói chuyện. Đặc biệt năm 2009, một loạt các cán bộ trong hệ thống chính trị của phường liên tục bị bom bẩn, chất thải bẩn ném vào nhà…”, ông Bình nhớ lại.
Cuối cùng, hành động chống tham nhũng của ông Phạm Thanh Bình đã giành thắng lợi, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Kết luận của cơ quan có thẩm quyền nêu rõ, những việc ông tố cáo và thực hiện là đúng. Ông được phục hồi giữ các chức vụ cũ.
Không được may mắn như ông Phạm Thanh Bình, nhiều người khác tố cáo tham nhũng đã và đang bị đe dọa, trả thù với nhiều hình thức tàn bạo và tinh vi, thường xuyên bị de dọa đến tính mạng và sức khỏe để họ không còn đủ dũng khí tố cáo hành vi tham nhũng.
Ông Trần Vi Dân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho biết, hàng chục văn bản luật, bộ luật có quy định bảo vệ người tố cáo, song mới chỉ là quy định chung, nên không dễ áp dụng trên thực tế. Do đó phải cụ thể hóa những quy định này.
“Bộ Công an cũng đã có kiến nghị và được đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội xem xét để xây dựng Luật Bảo vệ nhân chứng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang cùng với các cơ quan hữu quan ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật như quy chế của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ người tố cáo tham nhũng để Luật đi vào cuộc sống một cách thiết thực, cụ thể hơn”, ông Trần Vi Dân cho biết.
Thực tế người tố cáo luôn ở thế yếu hơn người bị tố cáo. Người có chức có quyền sẽ lợi dụng địa vị, khả năng kinh tế để trả thù, trù dập người tố cáo. Ở mức nhẹ thì phân công những công việc không phù hợp, nặng có thể buộc thôi việc... Ngoài ra, người tố cáo còn bị đe dọa, xâm phạm thân thể, gây rối, làm đảo lộn cuộc sống gia đình họ. Vậy, ai sẽ là người trực tiếp đứng ra bảo vệ người tố cáo?
Ông Lê Văn Lân, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho rằng: Theo quy định hiện hành, lực lượng công an là nòng cốt bảo vệ người tố cáo. Ngoài ra, chính quyền địa phương, cơ quan thanh tra, các cơ quan tiếp nhận nguồn tố cáo cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.
“Muốn bảo vệ người tố cáo thì trước hết phải xem xét, xử lý thông tin tố cáo một cách nhanh chóng, kịp thời và triệt để. Nếu các cơ quan chức năng không xem xét, giải quyết ngay thì người bị tố cáo càng có điều kiện để trả thù, trù dập người tố cáo. Theo tôi đây là biện pháp quan trọng nhất. Vấn đề thứ hai không kém phần quan trọng là phải giữ bí mật cho người tố cáo”, ông Lê Văn Lân nói.
Trở lại với vụ việc ông Phạm Thanh Bình ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Ngay khi ông bị cách chức và đe dọa, người dân và nhiều tổ chức khác đã đứng về phía ông, lên tiếng phản đối. Chính quyền cơ sở, lực lượng công an vào cuộc, nên việc ông bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe đã không xảy ra.
Tố cáo tham nhũng đúng pháp luật là một việc làm tích cực. Bên cạnh việc tôn vinh, biểu dương việc làm đó, thì các cơ quan chức năng cần có biện pháp cụ thể bảo vệ an toàn cho họ. Trường hợp ông Phạm Thanh Bình, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy là một ví dụ. Bên cạnh việc cụ thể các quy định chung, thì sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng và những người xung quanh mới bảo vệ tốt người tố cáo chống tham nhũng, góp phần tích cực vào cuộc chiến ngày càng tinh vi, phức tạp này./.