Người Việt có tử tế?
VOV.VN - Quá nhiều thói hư, tật xấu, ích kỷ của người Việt lấn át xã hội nên mỗi khi gặp chuyện tử tế người ta lại sinh nghi.
Ông giám đốc người Nhật Bản Tango Hirosuke, 77 tuổi, một mình đối mặt với nhóm người hung hăng của công ty Tân Đức, vì không muốn những công nhân người Việt bị nguy hiểm. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đi đầu trong việc chống tiêu cực bị côn đồ đánh trọng thương nhưng anh bật khóc vì cảm thấy đơn độc… Người Việt hàng ngày phải ăn bao nhiêu thứ độc hại vào người mà không ai chịu trách nhiệm. Hiệu trưởng ăn bớt phần của con trẻ… và nhiều chuyện khác nữa khiến người ta giật mình lo sợ sự “tử tế” có phải là quá xa xỉ trong xã hội bây giờ?
Ông giám đốc người Nhật Bản Tango Hirosuke bảo vệ công nhân người Việt. |
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã khóc khi nhớ lại việc mình tỉnh dậy sau khi bị đánh, mặc dù có rất nhiều xe máy đi qua chỗ anh nằm nhưng không một ai đứng lại giúp đỡ anh, cuối cùng người đưa anh vào viện là một cậu bé.
Còn ông Giám đốc người Nhật 77 tuổi kia ông đang nghĩ gì khi chính ông là người mang việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động trên đất nước này mà lại bị chính những con người ở đất nước đang thụ hưởng kia cư xử theo thói côn đồ
Ở một góc khác, nhiều khi xã hội giết chết một người chỉ bằng “búa rìu dư luận”. Còn nhớ trường hợp của một nữ sinh ở Đồng Nai bị người yêu tung clip nhạy cảm, em đã tìm đến cái chết vì không chịu đựng nổi những lời “ném đá” của cộng đồng mạng.
Gần đây, hình ảnh một thầy giáo để học sinh nhổ tóc bạc trong giờ học cũng bị dư luận ném đá tả tơi. Nhưng cuối cùng, những người yêu cái thiện, sự công bằng, tỉnh táo khi nhìn nhận bản chất một vấn đề… thở phào nhẹ nhõm, vì ít ra cũng còn một chút tử tế khi kết thúc câu chuyện này. Bởi đó chỉ là một hành động rất đỗi bình thường, thể hiện tình cảm yêu mến của học trò với người thầy của mình. Theo giải trình của thầy giáo trong clip, thầy dạy đến cuối tiết bị choáng váng do đang ốm, đã nhờ một cậu học trò nhỏ lên bắt gió, xoa dầu.
Sự tử tế đang ở đâu khi mà có những kẻ luôn soi mói, tìm kiếm những sơ hở của người khác để tung lên mạng xã hội, bình phẩm theo cách “giết người không dao”. Những người nổi tiếng là nạn nhân phổ biến nhất của cách “giết người” này. Để lôi kéo người hâm mộ sang phía khác, những kẻ xấu đã không ngại làm những “trò bẩn” mà không lo tới việc chăm chút cho tài năng và phẩm chất của mình, đôn mình lên bằng cách vùi dập kẻ khác.
Sự tử tế nếu đúng là có thật cũng khiến xã hội nghi ngờ, đặt dấu hỏi. Bởi có rât nhiều kẻ núp bóng “tử tế” để lừa lọc, thậm chí lừa những kẻ khốn khổ nhất trong xã hội. Đã có biết bao nhiêu người nghèo khổ ở các làng quê là nạn nhân của sự tử tế đểu giả? Chắc là khó thống kê, nhưng chỉ biết nói rằng nhiều lắm. Gần đây nhất, câu chuyện về hành vi lừa đảo của Liên kết Việt đã khiến biết bao gia đình ở các làng quê lâm vào cảnh lao đao, đổ vỡ.
Ra đường thì nhan nhản kẻ giả tàn tật, giả làm sư hành khất, giả làm người không nơi nương tựa… để xin ăn. Làm như vậy thì những người có lòng đi bố thí cũng đặt lòng tốt của mình sai chỗ. Nhưng trong xã hội trà trộn giữa thật và giả tinh vi thì bằng mắt thường không ai phát hiện được, chỉ khi cơ quan chức năng vào cuộc thì những hành vi ấy mới bị vạch trần.
Tử tế là gì mà sao khó kiếm đến vậy? Tử tế không có nghĩa là lúc nào cũng đi tìm những mảnh đời có hoàn cảnh éo le để giúp đỡ mà trước hết đó là cách sống có trách nhiệm với chính bản thân mình. Khi mỗi người là một công dân tốt thì tự xã hội đó sẽ tốt lên.
Chương trình truyền hình của VTV mang tên “Việc tử tế” được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc đến trong phát biểu chia tay Chính phủ để chúc mình và những thành viên Chính phủ cố gắng được như vậy. Mỗi người, hãy làm một việc tử tế cho chính mình thì cũng đã giúp xã hội này tử tế lên./.