Người xăm trổ sẽ bị “soi” kỹ hơn khi tham gia giao thông: Quan ngại!
VOV.VN - Đâu phải cứ xăm trổ là ngổ ngáo, là người không tốt. Nhiều người không xăm trổ nhưng vẫn làm việc xấu đó thôi!
Bắt đầu từ ngày 1/8, lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ) sẽ tập trung tuần tra từ 6h30 đến 24h, xử phạt người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy vi phạm quy định của pháp luật về mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Đặc biệt, lực lượng CSCĐ tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên cũng như những đối tượng xăm trổ, ngổ ngáo, cố tình vi phạm luật. Việc xử phạt các lỗi vi phạm căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt các lỗi vi phạm giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/8.
Việc cảnh sát để ý đên những đối tượng ngổ ngáo, có biệu hiện côn đồ, bất chấp pháp luật, nganh nhiên vi phạm luật lệ giao thông để tập trung xử lý là cần thiết.
Tuy nhiên, nếu người thực thi công vụ đưa tất cả những người xăm trổ vào tầm ngắm thì lại khiến dư luận quan ngại.
Qui định này khiến những người yêu thích xăm trổ thấy bất ổn. Bởi thực tế, xăm trổ trở thành một nghệ thuật được nhiều người yêu thích.
Một người làm thợ xăm chia sẻ: Nhiều người xăm để che sẹo trên cơ thể; xăm để thể hiện một quan điểm, suy nghĩ, lý tưởng sống của mình; hoặc đơn giản vì thích có một hình xăm đẹp trên người.
Vết sẹo ở chân đã được che bằng hình xăm rất nghệ thuật. |
Và thực tế, có rất nhiều người là dân văn phòng, trí thức, luật sư… yêu thích nghệ thuật xăm trổ và họ đã sở hữu những hình xăm rất đa dạng, đẹp mắt.
Do quan niệm của nhiều người Việt Nam rằng, những người xăm trổ thường là các “đàn anh, đàn chị”, "đầu gấu"… nên nhiều người yêu thích nghệ thuật xăm thường xăm hình vào những nơi có thể che đi được và thưởng thức nó một mình hoặc với người thân yêu.
Nhiều người còn rất ngưỡng mộ những người đã vượt qua được định kiến, chịu đựng đau đớn, dùng cơ thể mình làm nơi thể hiện những hình xăm nghệ thuật mà ít ai dám dấn thân.
Khi có qui định, CSCĐ sẽ “để ý hơn” tới những người xăm trổ, ngổ ngáo… đã có người so sánh rằng: Những kẻ giết người không ghê tay như Lê Văn Luyện hay Nguyễn Hải Dương đâu có xăm trổ, ngổ ngáo gì. Hay những kẻ tham nhũng tiền tỷ, gây thất thoát vốn “khủng” của Nhà nước… cũng đâu có xăm trổ gì mà vẫn gây ra những hậu quả vô cùng lớn cho xã hội? Vậy cho nên, đừng khu biệt hay có cách đối xử khác với những người có hình xăm trổ.
Trên thế giới và thậm chí ngay tại Việt Nam có rất nhiều ngôi sao bóng đá, nghệ sĩ… xăm hình trông rất "ngầu" nhưng họ lại là những người cống hiến rất nhiệt tình cho sự nghiệp và có được thành công nhiều người mong ước, được nhiều người hâm mộ.
So sánh như vậy cũng chỉ để nói rằng, rất cần một cách nhìn công bằng, khách quan với những người có hình xăm trổ. Đâu có phải cứ “xăm trổ là hổ báo”.
Việc chấp hành hay vi phạm giao thông là tùy thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân, bất kỳ ai vi phạm đều phải bị xử lý như nhau, chứ không phải do họ ăn mặc thế nào, có xăm trổ hay không./.