Nguy cơ cảnh báo nhãn tiền

Những ngày qua, tình trạng tư thương Trung Quốc len lỏi vào tận các vùng nông thôn của ta để tận thu mua nông sản, kể cả chất lượng kém, đang đặt ra câu hỏi rất đáng lo ngại

Việc tư thương Trung Quốc len lỏi vào tận các vựa tiêu, cà phê của vùng Tây Nguyên để gom hàng và mua với giá cao đã khiến nhiều nông dân vì ham lợi phá vỡ hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp trước đó để bán hàng cho những tư thương này. Song điều lạ là nhiều tư thương Trung Quốc mua hàng song lại không màng tới chất lượng sản phẩm, chỉ cần mua được càng nhiều càng tốt. Vì thế mới có chuyện người dân hái cả cà phê xanh, hồ tiêu non để bán kiếm lợi.  

Câu chuyện này hiện cũng đang diễn ra với cây chè ở phía Bắc nước ta. Với thương hiệu nổi tiếng từ lâu, chè Thái Nguyên vẫn được biết đến là loại chè thơm ngon. Ấy vậy mà thời gian gần đây, khi tư thương Trung Quốc ồ ạt sang tận thu mua chè lại không quan tâm tới chất lượng, thậm chí họ còn đặt hàng với nông dân sản xuất chè mốc, chè bẩn, kém chất lượng. Tại Yên Bái, Tuyên Quang cũng tương tự. Để có được lượng chè bán cho Trung Quốc, thương lái còn khuyến cáo người dân thu hái theo kiểu tận thu. Có nghĩa là, đáng lẽ chỉ hái chè búp bằng tay từ 2-3 lá, thì nay người trồng chè cắt chè cả bằng liềm, bằng dao cho nhanh. Đáng lo ngại hơn, một số người đi thu mua còn hướng dẫn nông dân trộn tạp chất, hóa chất vào chè như bùn, super lân, thậm chí cả bột đá, bột quặng vào máy vò chè hoặc sấy chè. Cách làm này đã đánh trúng tâm lý hám lợi của người dân, thay vì theo nguyên tắc cứ 5kg chè tươi mới được 1 kg chè khô thì nay chỉ cần 3 kg chè tươi cộng với 2 kg hóa chất, tạp chất đã có ngay 1kg chè khô. Thêm vào đó, giá mua của tư thương Trung Quốc lại cao hơn giá thu mua của các nhà máy trong nước.

Bài học nạn chè vàng cách đây 4 năm vẫn còn đó khi Trung Quốc thu mua chè kém chất lượng sau đó bỗng nhiên dừng lại không mua nữa đã khiến không ít nhà nông khốn đốn. Thêm vào đó, với bao nỗ lực, ngành chè Việt Nam đang tiến dần tới nền sản xuất chè sạch, an toàn, mà chỉ vì lợi ích trước mắt, tình trạng thu hái vô tội vạ đang “đổ xuống sông, xuống bể” bao thành quả trước nay của cây chè Việt Nam. Và ai biết trước được người tiêu dùng Trung Quốc khi dùng sản phẩm này lại không kiện lại người trồng chè Việt Nam vì chất lượng sản phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm. Và khi ấy thiệt hại sẽ là khó lường.  

Vẫn biết rằng, ở cạnh một nước lớn với số lượng người tiêu dùng hơn 1,3 tỷ dân, Trung Quốc luôn là thị trường tốt cho Việt Nam và là cơ hội để tiêu thụ hàng hóa sang thị trường này. Song rõ ràng việc thu mua nông sản thiếu tính tích cực của các tư thương Trung Quốc những ngày qua đang cảnh báo những dấu hiệu đáng lo ngại.

Nếu chúng ta không có giải pháp tích cực ngăn chặn ngay từ bây giờ thì rõ ràng rất có thể những dấu hiệu này đang giết dần nhiều ngành sản xuất trong nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên