Nhận thức ảo

Tổ chức Hướng tới minh bạch cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng vừa công bố kết quả khảo sát được thực hiện tại 11 tỉnh, thành phố ở Việt Nam...

Theo đó, 95% thanh niên được hỏi nhận thức rõ hành vi tham nhũng có hại đối với thế hệ trẻ và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, 1/3 trong số đó lại thừa nhận sẵn sàng hối lộ nếu điều đó mang lại lợi ích kinh tế hay giải quyết được vấn đề khi họ gặp khó. Khoảng cách giữa nhận thức và hành vi của xã hội quá xa thực sự là một vấn đề lớn của xã hội.

95% thanh niên cho rằng tính liêm chính quan trọng hơn sự giàu có, nhưng 30 đến 40% trong số đó thừa nhận sẵn sàng tham nhũng, hối lộ nếu điều đó mang lại lợi ích cho bản thân. Kết quả khảo sát này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều góc nhìn về những khía cạnh khác nhau của thực trạng xã hội. Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra ở đây là tính liêm chính quan trọng hơn sự giàu có liệu có thực sự là nhận thức của thanh niên hay không?

Gần 50% số thanh niên được hỏi đều chấp nhận bỏ phong bì để được chăm sóc, điều trị tốt hơn; 38% thanh niên sẵn sàng gian lận để thi đỗ vào trường tốt và 33% sẵn sàng thực hiện hành vi hối lộ để có công việc như mong ước. Thậm chí, một tỷ lệ lớn thanh niên cho rằng họ sẵn sàng vi phạm pháp luật để bảo vệ gia đình, bản thân. Đó là những chỉ dấu cho thấy sự láu cá, gian manh, lén lút để đạt được mục đích của bản thân đã trở thành thói quen phổ biến trong xã hội.

Cuộc khảo sát chỉ giới hạn trong tầng lớp thanh niên, có thể không đại diện hoàn toàn cho xã hội. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế dân số Việt Nam đang ở giai đoạn vàng khi có tới trên 50% số dân ở độ tuổi dưới 30. Thanh niên đang là nòng cốt, là đối tượng tạo nên diện mạo xã hội ta hiện nay. Do đó, với tỉ lệ gian dối phổ biến như kết quả cuộc điều tra, rõ ràng các hành vi phi liêm chính đã trở thành một xu hướng trong lối sống, hoặc nói một cách thẳng thắn, khả năng gian dối đã trở thành một giá trị. Hai chữ giá trị này không cần phải để trong ngoặc kép vì điều gì được phần lớn cộng đồng thừa nhận, có khả năng chi phối hành vi của cộng đồng, điều đó là giá trị của cộng đồng đó.

Cho rằng liêm chính quan trọng hơn sự giàu có, song lại sẵn sàng phi liêm chính để đạt được sự giàu có. Mâu thuẫn này khiến nhiều người bất ngờ và lo ngại về khoảng cách quá xa giữa nhận thức và hành động của thanh niên. Nhưng, đây không phải là khoảng cách thực sự. Sự mâu thuẫn đó thuần túy chỉ là kết quả của một thói quen xấu được hình thành do quá trình tiếp nhận một nền giáo dục khô cứng, máy móc.

Vì sao những người thanh niên có học thức cao, sẵn sàng hối lộ, vi phạm pháp luật, và gian dối để mưu lợi nhưng lại dễ dàng trả lời tính liêm chính quan trọng hơn sự giàu có? Người viết bài này đã mang câu hỏi trên để phỏng vấn khá nhiều đồng nghiệp trẻ, và mất cũng khá nhiều thời gian để có câu trả lời tương đối đơn giản và nhất quán. Bởi họ được hỏi thế thì sẽ trả lời thế!  

Đối tượng phỏng vấn là thanh niên, hầu hết họ được hấp thụ chương trình giáo dục cơ bản, được tiếp cận với những hình thức tuyên truyền để hình thành sự hiểu biết về tính liêm chính. Song, sự hiểu biết đó không được chứng minh trong cuộc sống của họ, từ khi còn nhỏ tới lúc trưởng thành. Những đứa trẻ được giáo dục rằng sự ngay thẳng, công bằng là đạo đức mà con người phải có. Song chúng cũng biết nếu không đi học thêm ở nhà thày cô giáo thì sẽ thiệt thòi về điểm số. Chúng cũng biết cha mẹ mình phải mang phong bì đến nhà thày cô nhân ngày hiến chương các nhà giáo.  Những đứa trẻ được các bà mẹ dạy dỗ trung thực, chăm chỉ, nhưng cũng chứng kiến các bà mẹ mè nheo những ông bố quá tận tụy với công việc mà bê trễ việc nhà, và ánh mắt các bà mẹ rạng ngời hạnh phúc khi những ông bố khoe những cái phong bì.

Lợi ích vật chất, sự thực dụng và những tín điều đạo đức song hành một cách độc lập với nhau trong quá trình hình thành tính cách của cả một thế hệ. Điều đó khiến việc thừa nhận sự liêm chính và hành động phi liêm chính có thể tồn tại trong một con người một cách bình thường. Cũng bình thường như chuyện những nhân vật được ca ngợi như những anh hùng thời đại trong chương trình tivi Người đương thời bỗng chốc trở thành tội phạm mà không hề khiến công chúng ngạc nhiên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên