Ngày quốc tế xoá mù chữ 8/9

Nhận thức mới về xoá mù chữ

Trước kia, xoá mù chữ thường chỉ được xem là vấn đề của các nước đang phát triển, nhưng bây giờ đã được nhìn nhận là công việc của tất cả các quốc gia, kể cả ở những nước phát triển nhất.  

Từ năm 1966, ngày 8/9 hằng năm được chọn là Ngày quốc tế xoá mù chữ. Nhưng đến bây giờ, khi mà thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21 sắp trôi qua, việc xoá mù chữ vẫn là vấn đề mang tính cấp bách được cả thế giới quan tâm.

Tất cả các nước trên thế giới, từ những nước phát triển nhất đến những nước chậm phát triển nhất, đều có người không biết chữ. Điều đó cho thấy, xoá mù chữ là công việc cần được quan tâm thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình phát triển.

Tuy nhiên, ở hầu hết các nước đang phát triển, chất lượng giáo dục cơ sở thấp khiến số người mù chữ tiếp tục tăng cao. Mù chữ gắn liền với các thách thức xã hội như nghèo đói, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về thu nhập, không tôn trọng quyền con người và người nghèo bị gạt ra khỏi nhịp điệu phát triển xã hội.

Đầu tư xoá mù chữ cho phụ nữ sẽ tác động tích cực đến tất cả các chỉ tiêu phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. (Ảnh:internet)

Theo số liệu của Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO), cả thế giới hiện có gần 800 triệu người trưởng thành không biết chữ. Hai phần ba trong số này là phụ nữ. Trong số khoảng 70 triệu trẻ em không đuợc đến trường thì hơn một nửa là trẻ em gái.

Trong thông điệp nhân ngày Quốc tế xoá mù chữ 8/9 năm nay, Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh cần đầu tư xoá mù chữ cho phụ nữ, vì việc này sẽ tác động tích cực đến tất cả các chỉ tiêu phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, xoá mù chữ hiện nay cần được xem xét bởi một nhận thức mới. Trước kia, xoá mù chữ thường chỉ được xem là vấn đề của các nước đang phát triển, nhưng bây giờ đã được nhìn nhận là công việc của tất cả các quốc gia, kể cả ở những nước phát triển nhất. Xoá mù bao gồm mù chữ và mù các kĩ năng đọc viết hoặc sử dụng phương tiện kỹ thuật như vi tính. Ở một số nơi còn coi không biết ngoại ngữ cũng là mù.

Thế giới ngày càng thấy rõ sự yếu kém trong khả năng đọc viết và các kĩ năng giao tiếp, tính toán ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của cá nhân và của toàn xã hội. Xoá mù chữ vì thế cần phải được nhìn nhận như một vấn đề lâu dài của toàn cầu.

Ở nước ta, ngay từ ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch xoá mù chữ, coi mù chữ như quốc nạn. Cả nước lúc đó có hơn 90% dân số mù chữ. Nha bình dân học vụ được thành lập ngay tháng 9/1945 trong điều kiện khó khăn thiếu thốn chồng chất. Nhưng nhờ vào sức dân, hàng chục vạn lớp học xoá mù chữ đã được tổ chức trong khắp cả nước với qui mô và cách thức hoạt động phong phú, đa dạng.

Chỉ hơn một năm sau đã có gần 3 triệu người biết đọc, biết viết. Sau này, trong nhiều Nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước ta đều đặt vấn đề xoá mù chữ như một nhu cầu thường xuyên, liên tục, trong đó có cả những kế hoạch cụ thể về chống tái mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết đọc, biết viết.

Những năm gần đây, chương trình đầy tính nhân văn này còn được cụ thể hơn nữa cho phù hợp với từng địa phương và từng nhóm đối tượng khác nhau như thanh thiếu niên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, kể cả người nghiện hút sau cai…

Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, với nhận thức mới về xoá mù chữ như đã nêu, năm 2005, một đề án Quốc gia được triển khai với mục tiêu tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời ở mọi lúc, mọi nơi.

Từ đó đến nay, mỗi năm cả nước huy động được hàng vạn người đến các lớp học xóa mù chữ, hàng triệu lượt người tham gia các lớp chuyên đề tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm học tập cộng đồng. Các chương trình giáo dục phổ thông ở tất cả các cấp học cũng được đối mới thường xuyên cho phù hợp với sự phát triển chung của cả nước và hoà nhập với thế giới. Số trẻ em trong độ tuổi mà không được đến trường ngày càng giảm, và các em này vẫn còn rất nhiều cơ hội về sau để học tập, phấn đấu vươn lên.

Bác Hồ nói:“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thực hiện lời dạy của Người, đất nước ta đã và đang xây dựng một xã hội học tập. Ở đó mọi người được tạo điều kiện và cố gắng phấn đấu học tập thường xuyên, liên tục, học suốt đời để vươn lên không chịu đói nghèo, không chịu tụt hậu. Việc học trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cá nhân. Đó là thông điệp mà cả đất nước và từng người Việt Nam muốn nhắc tới nhân ngày Quốc tế xoá mù chữ./.                 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên