Nhận thức về thời đại ngày nay

Việc nhận thức rõ và xác định đúng thời đại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì nó giúp ta biết được những nấc thang phát triển của xã hội, nắm được yếu tố có tính ổn định trong một thế giới đầy biến động

  • Cần nhận rõ cuộc đấu tranh giai cấp
  • Chủ nghĩa Mác và thời đại ngày nay
  • Lịch sử phát triển của xã hội loài người thường được đo bằng những thiên niên kỷ, thế kỷ, thập kỷ, năm tháng, ngày giờ. Nhưng còn một cách đo khác sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn nhiều là xác định sự phát triển xã hội bằng những chuyển biến, những thay đổi có tính bước ngoặt được bắt đầu từ những sự kiện đặc biệt báo hiệu sự chuyển hóa về chất của đời sống xã hội. Đó là cách phân định xã hội bằng thời đại, là việc dựa vào những tiêu chí nhất định để phân kỳ lịch sử và đặt tên cho nó.

    Việc nhận thức rõ và xác định đúng thời đại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì nó giúp ta biết được những nấc thang phát triển của xã hội, nắm được yếu tố có tính ổn định trong một thế giới đầy biến động, tìm thấy xu hướng tất yếu trong vô vàn những hiện tượng phức tạp mang tính ngẫu nhiên của đời sống xã hội.

    Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, đặc biệt là mỗi Đảng Cộng sản Mác-xít Lê-nin-nít rất cần phải biết mình đang sống ở thời đại lịch sử nào với những đặc điểm, tính chất, nội dung, xu thế phát triển của nó ra sao. Biết được như vậy cũng là hiểu rõ ta đang sống ở đâu và sẽ đi tới đâu, giúp ta nhìn xa trông rộng, nắm bắt khuynh hướng phát triển và quy luật xoay vần của nhân loại để vừa có thể lựa chọn được hướng đi phù hợp với sự phát triển của lịch sử; vừa dự báo, và đoán định tới mức lường trước được những thách đố phức tạp, tránh được những vấp váp sai lệch trên đường đi, từ đó sẽ không bị chao đảo hoặc bị cuốn trôi trước phong ba bão táp của đời sống chính trị quốc tế. Có như vậy, đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ, thoát được khó khăn nghèo đói; bình yên cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.

    1. Quan niệm về thời đại

    Sự phân chia các thời đại trong lịch sử nhân loại là một công việc không đơn giản, xuất phát từ những cơ sở, tiêu chí khác nhau. Có nhiều cách phân chia và cách hiểu về thời đại.

    · Cách phân chia thời đại dựa trên những tiêu chí kỹ thuật như thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng, thời đại cối xay gió, thời đại máy móc hơi nước, thời đại tên lửa, vũ trụ và thời đại tin học…

    · Phân chia dựa vào những yếu tố đặc thù của xã hội như thời kỳ (thời đại) mông muội, dã man, gia trưởng, văn minh.

    · Phân chia thời đại theo nền văn minh. Như văn minh phương Tây, văn minh Khổng giáo (nho giáo), văn minh Nhật Bản, văn minh Mỹ la-tinh, văn minh Châu Phi. Cũng có quan điểm chia lịch sử loài người thành 3 nền văn minh kế tiếp nhau tương ứng cới các thời đại: Văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp.

    Nhìn chung, những cách phân chia nêu trên đều có sự khái quát cao, đều có những căn cứ và có những yếu tố hợp lý nhất định, nhưng tất cả đều là cách nhình phiến diện, mới chỉ nhấn mạnh được một vài khía cạnh của sức sản xuất, không chỉ ra được tính chất tổng hòa của đời sống xã hội và đặc biệt là không nêu được động lực chính của sự phát triển lịch sử xã hội.

    · Dựa trên cơ sở phương pháp luận biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để phân tích xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lê-nin đã xem xét vấn đề thời đại một cách khoa học, phù hợp với sự vận động phát triển của lịch sử loài người. Các ông đã coi hình thái tồn tại của thực tế xã hội là hình thái kinh tế - xã hội và quá trình phát triển của xã hội là sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao. Theo Mác và Ăng-ghen, lịch sử phát triển xã hội loài người cho đến thế kỷ XIX là các hình thái: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư bản chủ nghĩa. Từ đó, các ông đã rút ra kết luận là hình thái kinh tế -xã hội cộng sản chủ nghĩa tất yếu sẽ thay thế hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa.

    Như vậy, có thể hiểu thời đại theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, thời đại là một khái niệm chính trị - kinh tế  - xã hội khái quát tiến trình phát triển của lịch sử loài người, là thời gian rất dài để chỉ sự phân kỳ lịch sử xã hội và để phân biệt những nấc thang phát triển của hình thái kinh tế xã hội mà theo đó nấc thang cao hơn, tiến bộ hơn sẽ phủ định nấc thang cũ, lạc hậu để mở đường cho sự phát triển một thời đại mới. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, nhân loại bắt đầu một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

    Thời đại theo nghĩa hẹp là khái niệm về thời gian để chỉ xu thế và nội dung phát triển trên các phương diện kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ…

    2. Nội dung thời đại ngày nay

    Theo quan điểm của Lê-nin, nội dung thời đại mới - thời đại ngày nay, là xóa bỏ chủ nghĩa tư bản đồng thời thiết lập những cơ sở của xã hội là hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Đây là một quá trình lịch sử lâu dài, được bắt đầu từ nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, và sau đó là nhiều nước khác trên thế giới.

    Vào những năm 1957 và 1960, Hội nghị đại biểu các Đảng cộng sản và công nhân họp ở Mátxcơva, trên cơ sở tiếp thu ánh sáng tại di huấn của Lê-nin, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn sinh động của cách mạng thế giới, đã xác định: Nội dung căn bản của thời đại chúng ta là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở đầu bằng cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại ở nước Nga.

    Nội dung thời đại có hai vấn đề mấu chốt. Một là, thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Hai là, thời đại được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Nhận định về nội dung thời đại như vậy là sự khái quát mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, đầy tính thuyết phục, đã được sự nhất trí cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

    Tuy nhiên, sau khi thể chế xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực thù địch lợi dụng sự kiện này để dấy lên một chiến dịch công kích, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, bài bác những luận điểm cơ bản nhất về thời đại hòng làm tiêu tan lý tưởng cộng sản trong tâm trí nhân loại.

    Luận điểm của họ về nội dung không có gì mới mẻ, nhưng cách diễn đạt có khác đi.

    *Về vấn đề thứ nhất của nội dung thời đại. họ lập luận rằng, nếu nói thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, thì nay chủ nghĩa xã hội sụp đổ rồi, thời đại này đương nhiên là của chủ nghĩ tư bản; rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa công sản đã tàn lụi thì dù có trăm năm sau cũng không thể gượng dậy được nữa.

    Cách nhìn nhận của họ rõ ràng là thiếu kiến thức lịch sử và là cách nhìn thiển cận. Quá trình chuyển biến và thay thế một thời đại này bằng thời đại khác không thể diễn ra nhanh chóng được, mà phải qua một chặng đường dài. Quá trình đó là một xu thế tất yếu của xã hội loài người, nhưng diễn ra quanh co, phức tạp chứa đựng nhiều biến cố, có cả bước tiến mạnh mẽ và cũng có cả những bước tụt lùi. Sự đổ vỡ của xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đương nhiên là tổn thất nặng nề đối với phong trào cộng sản. Đồng thời ai cũng biết rằng, sự sụp đổ ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng nó không thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, càng không phải vì thế mà làm mất đi nội dung thời đại. Lịch sử đã cho thấy thời đại tư bản chủ nghĩa thay thế thời đại phong kiến đâu phải dễ dàng. Quá trình chuyển biến đó diễn ra hàng mấy trăm năm, trải qua biết bao phức tạp bởi sự chống trả quyết liệt của các thế lực phong kiến. Tình hình hiện nay cũng tương tự như vậy. Thế lực đế quốc không từ một thủ đoạn nào để mưu toan chặn đứng phong trào cộng sản. Điều đó càng thể hiện tính chất phức tạp của thời đại ngày nay.

    * Về vấn đề thứ hai của nội dung thời đại. Kẻ thù tư tưởng của chúng ta công khai tuyên bố rằng, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã sụp đổ thì giá trị của Cách mạng Tháng Mười cũng chấm hết.

    Đây đúng là kết luận vội vã và hồ đồ. Đành rằng thành quả mà Cách mạng Tháng Mười đem lại đã bị đổ vỡ tại ngay quê hương của nó, nhưng đó quyết không phải là sự chấm dứt lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười. Vả chăng, lịch sử đã tỏ rõ, không có một cuộc cách mạng nào, kể cả các cuộc cách mạng vĩ đại nhất, lại đủ khả năng kết thúc ngay công việc xóa bỏ xã hội cũ và xây dựng xong ngay xã hội mới. Quá trình chuyển từ xã hội phong kiến lên xã hội tư bản chủ nghĩa đã phải trải qua hàng trăm năm với nhiều cuộc cách mạng tư sản: Cách mạng Anh (1640-1688), các cuộc cách mạng tư sản Pháp vào các năm 1830, 1848, 1871…

    Sự phát triển của xã hội loài người từ sau Cách mạng Tháng Mười đã chứng tỏ rằng, lý tưởng Tháng Mười đã không chỉ là ngọn đèn pha dẫn đường tỏa sáng, mà còn có những đóng góp thực tế to lớn. Cách mạng Tháng Mười là tiếng chuông đánh thức lịch sử, báo hiệu một trang sử mới của thế giới. Thế giới trước Cách mạng Tháng Mười là một thời kỳ u mê, an phận, là thời đại của chủ nghĩa tư bản. Sự đột phá Tháng Mười làm cho chủ nghĩa tư bản bị đổ vỡ một mảnh lớn. Thế giới bừng tỉnh, bung ra với sức mạnh mới của sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa, giải phóng xã hội , giải phóng con người. Thành quả của cách mạng Tháng Mười đã tạo cho loài người có khả năng kìm giữ sự lộng hành của chủ nghĩa tư bản, làm thay đổi cả những yếu tố bên trong của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản đã không thể sống tự nó nữa mà đã phải cố gắng vì sự tồn tại của nó. Những thay đổi trong chiến lược kinh tế, chính trị để thích nghi, những thay đổi trong các chính sách phúc lợi xã hội, đảm bảo xã hội… ở các nước tư bản phát triển hiện nay đều do kết quả của xã hội đấu tranh của những người lao động và sâu xa hơn là được ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười..

    Từ những phân tích trên đây, chúng ta càng thống nhất với nhận định rằng, mặc dù tình hình thế giới trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới có nhiều thay đổi, có khi là thay đổi khôn lường nhưng bản chất của thời đại không thay đổi. Tình hình cụ thể trong từng thời kỳ của thế giới có những biến động nhưng điều đó không làm thay đổi nội dung của thời đại; loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới vẫn tồn tại và phát triển, có mặt sâu sắc hơn, nội dung và hình thức biểu hiện có nhiều nét mới. Đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức.

    3. Những vấn đề hiện nay

    Nhịp độ chuyển biến của thế giới nhanh chóng đến mức khó hình dung. Quá trình đó làm cho tính chất của thời đại càng phức tạp thêm bởi những biểu hiện mới của nó.

    Sau khi Liên Xô tan rã, chủ nghĩa tư bản thay đổi chiến lược ra sức lợi dụng quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa để tư bản hóa toàn thế giới. Đó là sự áp đặt giá trị, đồng hóa thế giới theo màu sắc tư bản chủ nghĩa; là sự đe dọa, chà đạp, phá vỡ các giá trị truyền thống của các dân tộc và các quốc gia có chủ quyền. Vì thế, vấn đề nổi bật trên đời sống chính trị quốc tế hiện nay là các tầng lớp, giai cấp bị áp bức, bóc lột và các dân tộc, các quốc gia độc lập quyết tâm chống lại sự áp đặt và can thiệp, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ giá trị truyền thống và định hướng phát triển xã hội của mình. Trong bối cảnh ấy, định hướng xã hội chủ nghĩa là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội loài người.

    Quá trình toàn cầu hóa, một mặt, tạo điều kiện cho sự hội nhập và vươn lên của tất cả các nước, nhưng mặt khác, nó cũng là sự phân chia thành hai thái cực giàu ngèo, tạo thế độc quyền chưa từng thấy của các trung tâm công nghiệp phát triển trong các lĩnh vực tài chính, kỹ thuật công nghệ. Do đó, một số nước "sinh sau đẻ muộn" khi bước vào quá trình công nghiệp hóa gặp rất nhiều khó khăn.

    Bản thân các nước tư bản phát triển cũng gặp nhiều thách thức lớn. Do tư bản tập trung cao độ, do sự phụ thuộc lẫn nhau trong quá trình "toàn cầu hóa" ngày càng đi vào chiều sâu, trong khi đó các thể chế thuộc kiến trúc thượng tầng vẫn chưa vượt khỏi phạm vi các quốc gia, dân tộc tư sản, nên mâu thuẫn vốn có giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong xã hội tư bản không hề giảm, mà ngày càng tăng. Các công ty xuyên quốc gia sáp nhập, liên kết chặt chẽ với nhau về tổ chức, vốn đầu tư, kỹ thuật, quản lý để chi phối thị trường quốc tế, làm cho các đạo luật, quy tắc, trật tự của các quốc gia tư bản chủ nghĩa bị phá vỡ, không kiểm soát được. Trong khi đó, ngay trong lòng các nước tư bản giàu có nhất vẫn chứa đựng sự nghèo đói và đặc biệt là sự bất công. Tất cả những điều đó thực sự là những quả bom nổ chậm, đe dọa xã hội của các nước tư bản phát triển. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu diễn ra từ 2008 đến nay bắt đầu từ Mỹ và lan ra toàn thế giới đã chứng tỏ những mâu thuẫn nội tại của nền kinh tế các nước tư bản chủ nghĩa không hề dịu đi mà có phần sâu sắc hơn, khủng hoảng kinh tế là căn bệnh trầm kha không thể thoát được của các thể chế kinh tế tư bản chủ nghĩa.

    Quá trình toàn cầu hóa khi được gắn với việc tập trung tư bản thì đồng thời cũng làm cho quy mô bóc lột của chủ nghĩa tư bản mở rộng, làm cho mâu thuẫn thời đại thêm sâu sắc. Vì thế việc giải quyết những mâu thuẫn thời đại đòi hỏi phải có sự tự giác cao, đồng thời cần có sự phối hợp khu vực và quốc tế, cần có nội dung, phương pháp thích hợp.

    Chính trong bối cảnh thế giới phức tạp như vậy, các dân tộc càng phải độc lập, tự chủ và không ngừng sáng tạo, càng hội nhập thì càng cần phải phát huy bản sắc dân tộc, giá trị chuẩn mực của dân tộc "hội nhập mà không hoà tan". Đúng là thế giới phát triển theo quy luật của nó, nhưng cách thức phát triển và bước đi là vô cùng phong phú, đa dạng. Mỗi nước phải tìm ra định hướng phát triển cho mình trên cơ sở những xu hướng vận động của thời đại.

    Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam đang ra sức phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới có bước phát triển mới, sáng tạo mô hình phát triển kinh tế- xã hội đậm nét Việt Nam, đưa nước ta tiến bước vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, phù hợp với xu thế thời đại./.

    GS - TS. Vũ Văn Hiền (Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN)

    Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên