Nhặt “sạn” tại Liên hoan phim Quốc tế

Liên hoan phim Quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam kết thúc cũng là lúc những người làm điện ảnh Việt Nam cần nhìn lại về công tác tổ chức, về chất lượng phim ảnh và cách để đưa khán giả đến với mình…

Từ khi khán giả Việt Nam được xem truyền hình các sự kiện Liên hoan phim Quốc tế tổ chức trên thế giới, họ đã có khái niệm về “thảm đỏ” tại các kỳ liên hoan phim. Cho nên, nhiều người háo hức khi biết tại Liên hoan phim Quốc tế tổ chức tại Việt Nam, họ được ngắm các diễn viên nổi tiếng, các đạo diễn danh tiếng bước chân giữa tiếng reo hò hâm mộ.

Thế nhưng, tại 3 buổi trải thảm đỏ (hôm khai mạc, bế mạc và buổi giao lưu tại Nhà hát lớn) số lượng khán giả yêu điện ảnh đến xem rất ít. Không phải vì sự hâm mộ của họ dành cho điện ảnh giảm đi mà vì lý do họ không biết thông tin.

Liên hoan phim Quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn, cần phải được quảng bá tới công chúng rộng rãi, chi tiết, nhưng Ban tổ chức đã làm không tốt khâu tuyên truyền, ngay cả việc cung cấp thông tin chi tiết cho báo giới cũng còn nhiều sai sót về thời gian, địa điểm.   

Buổi giao lưu giữa báo chí và nghệ sĩ cũng diễn ra khá lộn xộn khi ghế ngồi chẳng theo thứ tự mà cũng không đủ chỗ cho các nghệ sĩ. Không có người dẫn, phóng viên muốn phỏng vấn ai thì tự tới mà hỏi. Nhiều người có cảm giác đây là một sự kiện Gala nào đó chứ không phải một Liên hoan phim mang tầm quốc tế.

Cặp sao Kiều Thanh - Trung Hiếu và Minh Tiệp - Diệu Hương phải ghép đứng chung để các phóng viên "tác nghiệp" (Ảnh: Bee.net.vn)

Các cuộc hội thảo được tổ chức tại Liên hoan phim lần này mang tính chuyên môn nên thường vắng vẻ và không thu hút sự quan tâm của người hâm mộ. Ngoài các nghệ sĩ và giới làm phim cũng như đội tình nguyện viên, lực lượng chính tham gia các cuộc hội thảo này là giới... báo chí.  

Cả 3 cuộc toạ đàm gồm “Giải pháp tăng cường sản xuất phim của Việt Nam”, “Việt Nam - môi trường hấp dẫn sản xuất phim” và “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam” đều diễn ra khá tẻ nhạt.

Các đại biểu phát biểu ý kiến chung chung, không đưa ra những tư tưởng mới, tính xây dựng chưa cao, thậm chí còn có cả màn đấu khẩu như ngoài chợ của các đạo diễn Việt Nam.

Hơn 60 bộ phim tham dự được chiếu liên tục tại 3 cụm rạp MegaStar, Trung tâm chiếu phim Quốc gia và cụm rạp Platinum từ 17-21/10. Do giá vé rẻ và lượng phim chiếu phong phú nên lượng khán giả đến rất đông. Tuy nhiên, cũng xảy ra tình trạng lộn xộn: như việc lượng vé mời phát ra không ghi số ghế, còn vé do rạp bán lại ghi số ghế nên nhiều người đến xem phải ngồi xem bằng ghế kê ngoài, một số phim nước ngoài không kịp bắn phụ đề…

Từ những bất cập còn sót lại qua Liên hoan phim Quốc tế lần này, chúng ta nhận ra rằng, điện ảnh Việt Nam chưa thực sự thu hút sự quan tâm của công chúng.

GS - TS Lương Hồng Quang, nhà nghiên cứu về khán giả điện ảnh cho rằng:“Hiện nay lượng khán giả hứng thú với điện ảnh Việt Nam và bỏ tiền ra để đến rạp là tương đối thấp”.

Từ nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa, chúng ta đã xây dựng được khá nhiều cụm rạp mới, và ngày càng phổ cập điện ảnh đến các vùng miền. Tuy nhiên, thời lượng chiếu phim Việt Nam tại các rạp hiện nay chỉ chiếm một phần nhỏ so với số lượng phim nước ngoài, chất lượng và số lượng các bộ phim Việt Nam cũng không cao.

Mỗi năm Nhà nước cung cấp nhiều tiền để thực hiện các bộ phim “đặt hàng” nhưng các phim đó không được chiếu tại các rạp nhiều, hoặc có chiếu thì doanh thu cũng không đủ để bù chi phí.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân là khán giả “không hiểu” về giá trị các bộ phim này, tuy nhiên theo nhà biên kịch Việt Thu, những người làm điện ảnh cũng nên tự xem lại mình: “Chúng ta không chỉ quan tâm tới khán giả đâu mà chúng ta phải hâm nóng chúng ta trước… với nhiệt huyết của những người làm điện ảnh chúng ta phải sống và cống hiến, có như thế chúng ta mới đưa nền điện ảnh nước nhà đi lên được”.

Liên hoan phim Quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam thực sự là cơ hội tốt để những người làm điện ảnh soi lại mình. Có thể những huy chương của Việt Nam tại Liên hoan lần này làm chúng ta vui nhưng chừng đó là chưa đủ. Lấp đầy các phòng chiếu phim bằng khán giả yêu điện ảnh và những bộ phim Việt Nam chất lượng mới là điều mà chúng ta hướng tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên