Hội nghị thượng đỉnh G20

Nhiều bất đồng

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển và đang nổi lên (G20) diễn ra ngày 2/4 tới tại London trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tụt dốc và vẫn chưa chạm đáy

Trong khi đó, Mỹ, châu Âu nói riêng và thế giới nói chung chưa tìm được tiếng nói chung cũng như chưa có biện pháp hữu hiệu để hãm đà suy giảm kinh tế. 

Bốn tháng rưỡi là khoảng thời gian giữa hai kỳ Hội nghị Thượng đỉnh G20 từ Washington đến London lần này. Trong 4 tháng rưỡi đó, hàng loạt nước đã và đang triển khai gói kích thích kinh tế thứ hai lên đến hàng trăm tỉ USD, nhưng kinh tế thế giới vẫn trên đà giảm sút. Các chỉ số kinh tế vĩ mô như tỷ lệ tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp, phá sản của các nước công nghiệp phát triển tiếp tục ở mức báo động đỏ và chỉ số lòng tin ở nhiều lĩnh vực như thị trường bất động sản, đầu tư vẫn ở mức thấp, đặc biệt tại Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 19/3 đã hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới năm 2009 xuống còn từ -1,0% đến -0,5%. Đây cũng là lần đầu tiên tăng trưởng âm trong vòng 60 năm qua. Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU), một tổ chức phân tích có uy tín, cũng dự báo sẽ có ít nhất 18 trong số 30 nền kinh tế chủ chốt đang nổi lên sẽ tăng trưởng âm trong năm 2009. Còn Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo sẽ có thêm 50 triệu người bị đẩy vào cảnh mất việc làm năm 2009.

Từ đầu năm tới nay, làn sóng biểu tình phản đối chính sách kinh tế kém hiệu quả lan rộng khắp châu Âu đã dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ 3 nước khu vực là Iceland, Latvia và Hongrie. Tình hình trên cho thấy, tất cả các biện pháp kích thích mạnh mẽ mà các ngân hàng trung ương và các thiết chế tài chính trên thế giới thi hành cho đến nay là chưa đủ, hoặc không có hiệu quả để có thể ngăn chặn đà kinh tế suy sụp. Giữa hai kỳ Hội nghị Thượng đỉnh G20, các nhà hoạch định chính sách cũng đã tổ chức hàng loạt hội nghị mang tầm thế giới và khu vực cũng chỉ nhằm tìm cách giải cứu nền kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, tại những hội nghị này, các nhà lãnh đạo thế giới chưa tìm ra giải pháp cụ thể nào cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà chỉ thoả thuận được một điều duy nhất là phải tiến hành mọi biện pháp cần thiết để phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 2/4 tại London với mục tiêu hợp lý hóa các chính sách thuế và tiền tệ; tăng chỉ số lòng tin trên thị trường tài chính; kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động ngân hàng và các quỹ tiền tệ, chống “chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch” hay “lợi ích cục bộ”. Và kinh tế thế giới vẫn sẽ được gói gọn trong hai từ “suy thoái”, nếu lộ trình thực hiện không đạt được sự đồng nhất, các biện pháp nhằm cứu vãn tình hình vẫn đi theo nhiều hướng khác nhau.

Điều đáng bi quan hơn là cho đến nay, các nền kinh tế lớn, trong đó một bên là Mỹ và một bên là châu Âu vẫn mâu thuẫn trong cách thức đối phó khủng hoảng. Điều này được bộc lộ rõ trong Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 hôm 14/3 vừa qua. Chủ trương của Washington là muốn vực dậy nền kinh tế bằng cách “bơm” nhiều tiền hơn vào nền kinh tế thế giới, trong khi châu Âu, chủ yếu là Pháp và Đức lại muốn tập trung vào hạn chế chi tiêu, cải cách các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có IMF với lý do họ không muốn làm căng thẳng thêm tài chính quốc gia khi tăng thêm chi tiêu. Bất đồng còn nảy sinh liên quan đến mức tăng nguồn tài chính cho IMF. Châu Âu đề nghị tăng gấp đôi nguồn tài chính của IMF lên 500 tỷ USD, trong khi Mỹ muốn tăng gấp ba lên thành 750 tỷ USD. Còn các nền kinh tế đang nổi như Nga, Brazil, ấn Độ và Trung Quốc thì cho rằng, việc tăng phần đóng góp tài chính vào quỹ IMF phải tỷ lệ thuận với việc tăng cường tiếng nói của họ tại IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), thay vì qui tắc bất thành văn như hiện nay là đại diện Mỹ đứng đầu IMF còn đại diện châu Âu đứng đầu WB.

Trước thềm Hội nghị, ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói từ Nga, Trung Quốc, ấn Độ, Brazil và cả Indonesia đều mong muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD. Moscow dự định tại Hội nghị lần này, sẽ đưa ra đề xuất về việc lập ra một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới, do một thể chế tài chính quốc tế phát hành để dần thay thế địa vị tiền tệ dự trữ toàn cầu của đồng USD. Đề xuất này là có nguyên do khi nhiều ý kiến cho rằng hệ thống tài chính - tiền tệ dựa vào đồng USD hiện nay tồn tại nhiều vấn đề, làm tăng nguy cơ lạm phát, bất ổn và kéo theo đó là sự bất bình đẳng. Tại Hội nghị lần này, đề xuất này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của Mỹ nhưng sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều nước tham dự bởi lẽ, trong khi các nước trên thế giới đang lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng thì Mỹ - nước gây ra “cơn bão” tài chính toàn cầu - lại đang thu lợi do làn sóng hút USD về nước bằng việc bán công trái./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên