Những mùa xuân bình yên

Mỗi khi Tết đến, ai cũng ngẫm suy, ao ước điều tốt lành, hướng tới cuộc sống bình yên. Bình yên cho mỗi gia đình, cộng đồng và đất nước chính là sức mạnh nội lực để chúng ta phát triển, sánh vai với bè bạn bốn phương

Tiết trời xuân se lạnh, đứng trên cầu Vĩnh Tuy sừng sững bắc ngang sông Hồng, phóng tầm mắt đi xa, tôi nhớ mấy câu thơ: “Hà Nội có cầu Long Biên. Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng. Tàu xe đi lại thong dong. Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...”. Cây cầu “đại lão” đất Hà thành hơn trăm năm tuổi đã chứng kiến biết bao thăng trầm của Hà Nội.

Hơn 20 năm trước, cầu Thăng Long hoàn thành, là biểu tượng tình hữu nghị Việt - Xô, là công trình thế kỷ lớn nhất Thủ đô lúc bấy giờ. Cũng thời điểm ấy, các kỹ sư cầu đường Việt Nam lần đầu tiên thử sức mình tự thiết kế, thi công cầu Chương Dương với sự cố vấn của các chuyên gia và vốn viện trợ của nước bạn Liên Xô. 

Bây giờ, ấm no đã đến, Hà Nội tự mình xây thêm nhiều công trình hiện đại mang dấu ấn Việt Nam. Cầu Vĩnh Tuy vừa khánh thành cách xuân Canh Dần hơn bốn tháng - cây cầu lớn nhất nước ta hiện nay có chiều dài vượt sông và đường hai đầu cầu 5,8km, mặt cầu 38m do các kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công; thành phố Hà Nội tự bỏ vốn đầu tư gần 3.600 tỉ đồng.

Dù khó khăn, phức tạp, nhưng ước mơ về cây cầu hiện đại do Việt Nam tự làm, nay đã thành hiện thực. Công trình mang dấu ấn thời gian, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, là huyết mạch giao thông quan trọng, đảm bảo lưu lượng vận tải 72.000 lượt xe một ngày đêm vào năm 2020.

Cảm ơn những người thợ tài hoa ngày đêm nhẫn nại làm nên cây cầu đẹp. Bà Mai Thị Ngọc Hân (76 tuổi, ở Thành Công, quận Ba Đình), một người lính trong đoàn quân “Nam tiến” năm xưa bày tỏ xúc động xen lẫn tự hào: “Trước đây chúng tôi đã rất tự hào khi có cây cầu Chương Dương. Trong khi đất nước còn nghèo khó, lại vừa thoát ra khỏi chiến tranh, mà xây được cầu như thế, người dân ai chẳng tự hào. Nay lại có thêm cầu Vĩnh Tuy, công trình được xem như biểu tượng của nước Việt Nam, những cũng là biểu tượng của thành phố Hà Nội. Là người dân Hà Nội, Hà Nội càng đẹp, chúng tôi càng mừng”.

Tâm trạng của bà Ngọc Hân cũng là tâm trạng của hàng triệu người Việt Nam. Hà Nội là “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hoà bình” và là biểu tượng của ý chí, sức mạnh Việt Nam. Với nhiều ưu thế, Hà Nội đang thay da, đổi thịt từng ngày, phấn đấu trở thành thủ đô văn minh, hiện đại. Rồi mai, Hà Nội sẽ có thêm nhiều cây cầu đẹp; Việt Nam thêm nhiều công trình thế kỷ ở khắp mọi miền đất nước do người Việt tự làm.

Cầu Vĩnh Tuy trong ngày thông xe

Tự hào là vậy, nhưng với bà Đoàn Thị Hồng Vân (ở phố Dã Tượng, quận Hoàn Kiếm) thì “nội lực của đất nước mình còn nhiều lắm”. Bà bộc bạch: “Nội lực của đất nước rất lớn, đó là nhân lực, trình độ, cơ sở vật chất…  Tuy nhiên, tiềm lực lớn như thế nhưng khai thác tiềm lực đó và sử dụng tiềm lực đó để đóng góp cho đất nước như thế nào mới là quan trọng”.

Suy nghĩ của bà Hồng Vân thật sâu sắc. Những công trình hiện đại như cầu Vĩnh Tuy, trước kia ta phải nhờ đến sự trợ giúp mọi mặt của nước bạn, thì nay đã làm bằng nội lực của chính mình. Còn cái “nội lực” không đo đếm được chẳng phải ở đâu xa, mà ngay trong lòng mỗi người, hiển hiện hằng ngày ở từng ngõ xóm, làng quê, góc phố. “Nội lực” ấy là sự bình yên, thanh bình - khát vọng ngàn đời của mỗi người dân đất Việt. 

Nói tới hai chữ “bình yên”,  tôi nhớ dịp đầu năm 2009 về công tác tại một vùng quê, khi trò chuyện với lão nông cả cuộc đời gắn bó với đồng ruộng, ông say sưa kể: “Tôi thấy Đài Tiếng nói Việt Nam nói nhiều về khủng khoảng kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến nước mình. Thằng con tôi làm công nhân trong Nam thiếu việc làm. Tôi gọi điện bảo nó cứ yên tâm về nhà với bố. Lúa gạo đầy nhà, cá tôm dưới ao, gà vịt trên vườn. Không sợ gì hết”. Rồi ông nhớ lại: “Thiếu ăn là khổ nhất. Ngày trước, nông dân chúng tôi quanh năm đầu tắt mặt tối mà “cơm chẳng được no, nước kho chẳng được mặn”. Bây giờ thì hết thời ấy rồi. Mình không biết khủng hoảng ở xứ nào, nhưng nông dân cứ được mùa là bình yên. Có ấm cái bụng mới nghĩ tới vươn lên”. Nói rồi, lão nông cầm điếu cày, rít một hơi thuốc lào, mơ màng nhả khói... Tôi thầm nghĩ về sự lạc quan!

Mà lạc quan như lão nông cũng đúng thôi! Nhiều năm nay và năm Kỷ Sửu đều được mùa, nông dân cả nước thu về gần 39 triệu tấn thóc; để Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo (mức cao nhất từ trước tới nay). Chẳng lạc quan mà vừa rồi Hiệp hội Kinh tế mới tại Vương quốc Anh đánh giá “Việt Nam là một trong những nơi hạnh phúc nhất thế giới, do có tuổi thọ cao, con người hài lòng với cuộc sống và gây ít tác động tới môi trường”.

Đó cũng chính là “nội lực” từ niềm tin của người Việt Nam với Đảng với Nhà nước của chúng ta. “Nội lực” ấy có được do phải phải trải qua nhiều mất mát, thương đau của chiến tranh, do phải gồng mình chống chọi với thiên nhiên để rồi tự vượt lên chính mình. Nhờ nội lực “bình yên” ấy, nên các nhà tài trợ thế giới đã “nhìn mặt gửi vàng”, bỏ ra gần 8,5 tỉ USD vốn vay ưu đãi dài hạn cho Việt Nam trong năm 2010, mức tài trợ vốn ODA cao nhất từ trước tới nay... Rồi hàng triệu khách nước ngoài chọn Việt Nam là “điểm đến an toàn, thân thiện” của họ.

Lạc quan, nhưng thử thách vẫn còn trước mắt. Năm Canh Dần này, Việt Nam sẽ phải giải quyết không ít tồn tại sau thời gian suy giảm kinh tế để tiếp tục vươn lên. Nhờ đất nước bình yên, người Việt Nam cần cù sáng tạo là sức mạnh to lớn để chúng ta tự tin vượt qua sóng gió. Dự báo và mong muốn của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan như thế này: “Xuân Canh Dần này chúng ta bước vào một năm rất đặc biệt. Tôi cũng hy vọng 10 năm tới chúng ta lại có mốc mới nữa, năm Canh Dần này sẽ là một điểm hích để chúng ta tiến lên làm kỳ tích mới, kỳ tích thứ 5 trong lịch sử  của đất nước ta. Biến Việt Nam thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại...”.

Một mùa xuân Canh Dần nữa lại đến. Tôi nghĩ về những năm Canh Dần của Việt Nam được ghi trong sử sách. Năm Canh Dần 1230, vua Trần Thái Tông huy động hàng vạn dân đắp thành Thăng Long kiên cố, chuẩn bị chống ngoại xâm. Năm Canh Dần 1770, ba anh em người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã dấy cờ khởi nghĩa, tập hợp muôn dân, lãnh đạo phong trào Tây Sơn, rồi sau đó “đại phá quân Thanh”, đem lại sự bình yên cho giang sơn xã tắc. Đặc biệt, năm Canh Dần 1890, ngày 19/5, tại làng quê nghèo ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam được sinh ra. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã “làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông, đất nước ta”; Người đã dẫn dắt toàn dân Việt Nam theo con đường độc lập tự chủ, “đem sức ta tự giải phóng cho ta”.

Xuân đã về trên khắp mọi nẻo đường đất nước, những mái nhà rộn rã tiếng cười, những đường phố, làng quê, ngõ xóm nhộn nhịp chào đón xuân sang. Trong khí thiêng ấm áp của đất trời, tự mỗi người nung nấu dự định cho mình và mong đợi điều tốt lành đến với đất nước. Tất cả bắt đầu từ nền móng của nội lực “bình yên”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên