Nói không với kiểu đầu tư xí phần dự án
Với các nhà đầu tư cố tình trì hoãn tiến độ cần kiên quyết thu hồi, dành cơ hội cho các doanh nghiệp thật, để đất nước có những dự án đầu tư thực chất, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, con người
Liên tiếp gần đây, hàng loạt dự án bị chính quyền các địa phương rút giấy phép do chủ đầu tư lần lữa không chịu triển khai. Dẫu là vì nguyên nhân gì thì việc rút giấy phép các dự án trên giấy đã thể hiện thái độ dứt khoát của các địa phương đối với kiểu đầu tư xí phần dự án, dành cơ hội cho những nhà đầu tư thật sự.
Tháng 7 vừa qua, 8 dự án đầu tư ở thành phố Hồ Chí Minh đã bị thu hồi. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 80 vào cuối năm nay. Lý do là nhà đầu tư không chịu triển khai dự án.
Không dừng lại ở thành phố Hồ Chí Minh, cơn sóng này đang lan rộng ra nhiều địa phương, khi nhiều dự án đăng ký vốn lớn, được cấp phép từ 3- 5 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thấy rục rịch. Điển hình như tỉnh Quảng Nam vừa rút giấy phép siêu dự án Khu du lịch Bãi Biển Rồng, vốn đầu tư trên 4,1 tỉ USD do nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính. Đồng thời đang làm thủ tục rút giấy phép 4 dự án khác trong lĩnh vực bất động sản, du lịch. Phú Yên phải chia tay siêu dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp lọc hoá dầu, vốn đăng ký gần 11 tỉ USD của một nhà đầu tư Singapore.
Tây Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bắc Ninh… cũng là những địa phương có nhiều dự án bị rút giấy phép với nguồn vốn đăng ký lớn. Đây là những dự án được cấp phép ồ ạt từ mấy năm trước, nay không thể triển khai được do không đủ năng lực tài chính. Nhiều dự án trong lĩnh vực luyện gang thép, không phải do những công ty lớn đăng ký mà thường là các nhà đầu tư tay ngang đăng ký để xí phần, khi không kham nổi thì xoay sang xin gia hạn dự án. Cũng không loại trừ nhiều chủ đầu tư xin cấp phép để giữ đất, rồi tìm đối tác bán lại.
Tỉnh Ninh Thuận từng kỳ vọng vào Dự án Khu liên hợp thép Cà Ná, do liên doanh giữa Tập đoàn Vinashin với Tập đoàn Lion Group (Malaysia) đầu tư, vốn đăng ký 9,8 tỉ USD, dự kiến cuối năm 2008 khởi công giai đoạn 1, nhưng đến nay, dự án này chỉ là cái bánh vẽ vì nhà đầu tư nước ngoài không thấy đâu, còn nhà đầu tư trong nước thì đang lâm nợ nàn chồng chất. Trong khi tỉnh Ninh Thuận phải tìm đối tác thay thế thì hàng trăm héc ta đồng muối Cà Ná phải bỏ hoang, hàng ngàn gia đình diêm dân phải khổ sở vì giải tỏa, tái định cư.
Ưu đãi để thu hút đầu tư, nhưng không vì thế mà thu hút bằng mọi giá. Phải có thái độ dứt khoát với kiểu đầu tư xí phần dự án. Với các nhà đầu tư cố tình trì hoãn tiến độ do không đủ tiềm lực tài chính, hoặc do vi phạm Luật Đầu tư thì phải kiên quyết thu hồi, không lãng phí đất đai, dành cơ hội cho các doanh nghiệp thật, để đất nước có những dự án đầu tư thực chất với chất liệu thật, con người thật, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, con người góp phần làm giàu cho Tổ quốc./.