Nỗi lo lạm phát
Mối quan ngại ngay từ đầu năm về khả năng tái lạm phát vào cuối năm của không ít các chuyên gia kinh tế và cả cơ quan quản lý đã thành hiện thực.
Tuần cuối của tháng 10 trôi qua với rất nhiều sự kiện đáng chú ý. Tiêu điểm tuần qua là sự “nóng” lên về giá cả hàng hoá không chỉ ở Diễn đàn Quốc hội, chính trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, ở một số tỉnh Bắc miền Trung vừa gánh chịu hậu quả của lũ chồng lũ... mà còn ở cả sự lo lắng của cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế.
Một loạt những dấu hiệu cùng được đưa ra trong tuần ví như Tổng cục Thống kê công bố những số liệu giật mình về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 10, với mức tăng khá cao - 1,05% so với tháng trước. Và nếu so với tháng 12/2009, thì CPI 10 tháng qua đã lên tới 7,58% - gần chạm ngưỡng 8% mà Chính phủ đề ra cho cả năm 2010.
Xét về lý thuyết, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 8% trong năm nay thì 2 tháng còn lại, CPI mỗi tháng chỉ được phép tăng 0,21%. Một giới hạn khá mỏng manh và có thể xem khoảng cách còn lại này là quá ít cho sự “xoay xở” của các cơ quan quản lý. Hay nói một cách khác, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 8% rất khó khả thi.
Lý giải cho nhận định này, các chuyên gia kinh tế có chung phân tích: sự tác động tăng tỷ giá, sự gia tăng liên tục của giá cả thế giới và việc điều chỉnh giá của một số nguyên vật liệu đầu vào như sắt thép, gas... ở thị trường trong nước đã và sẽ còn tác động đến giá cả hàng hóa những tháng cuối năm. Người ta chú ý nhiều đến sự tác động dây chuyền của tăng tỷ giá đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu thiết yếu của nền kinh tế, trực tiếp làm tăng chí phí đầu vào sản xuất và đẩy giá cả hàng hoá lên cao hơn.
Thị trường tháng 10 đã chịu thêm sức ép đó là ngay trong tháng đã có tới gần 300 mặt hàng tăng giá trong đó nhóm hàng sữa giá tăng từ 8 đến 10%, bánh kẹo sản xuất trong nước, dầu ăn có mức tăng 2-3%, đường tăng khoảng 10%, bánh kẹo nhập khẩu tăng 5-7%... Đây là những thông tin tổng hợp của Hiệp hội Siêu thị Việt Nam.
Nguyên nhân chính được các nhà cung cấp đưa ra là: giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, điều chỉnh tỷ giá cùng tác động gián tiếp… Ngay từ tháng 10, người dân và cả cơ quan quản lý đều bắt đầu cảm nhận được “sức nóng” của giá cả với những làn sóng ngầm tăng giá của không ít các mặt hàng trong vài tháng tới. Có thể sức nóng sẽ còn tăng hơn khi bị cộng hưởng bởi một loạt các nhân tố rõ rệt từ thị trường vàng, sự lên giá của đồng đô la....trong vài tuần gần đây.
Lạm phát tháng 10 tăng cao cùng những dự báo về giá cả 2 tháng còn lại của năm biến động khó lường cho thấy, rất nhiều khả năng, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng thắt chặt. Nói như thế bởi thực tế là yêu cầu giảm lãi suất dù được Chính phủ đề ra từ giữa tháng 6 năm nay nhưng hiện nay các ngân hàng đang gặp khó khăn. Giới ngân hàng và các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng sẽ khó có thể giảm lãi suất một khi lạm phát đang có xu hướng tăng lên như hiện nay.
Về vĩ mô, việc điều hành chính sách đang gặp bài toán khó: nếu giảm lãi suất chắc chắn sẽ tạo áp lực không nhỏ cho nỗ lực chống lạm phát của các bộ, ngành, doanh nghiệp. Còn nếu duy trì lãi suất cao có nghĩa là tạo sức ép duy trì chi phí sản xuất cao của khối doanh nghiệp. Và hậu quả là ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm, gây thêm áp lực tăng giá cả hàng hóa trong những tháng cuối năm khi nhu cầu dự báo chắc chắn sẽ tăng lớn. Đây sẽ là thách thức không nhỏ trong việc bình ổn giá cả hàng hoá trên thị trường.
Xét về tổng thể, nhiều chuyên gia kinh tế cùng có chung nhận định, lạm phát - căn bệnh không mới nhưng để “chữa trị” được nó không chỉ nằm ở việc bình ổn giá hàng hóa trên thị trường. Sâu xa hơn đó chính là phải giải quyết được bài toán cân đối vĩ mô của cả nền kinh tế. Đã từ lâu câu chuyện chi ngân sách lãng phí, bội chi lớn, nhập siêu cao, cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt, dự trữ ngoại tệ giảm, lãi suất cho vay cao, sự phối hợp chính sách chưa thực sự đồng bộ và ăn ý... về cơ bản vẫn tồn tại. Đây chính là những căn nguyên của tình trạng giá cả luôn leo thang trong nhiều năm qua./.