Nỗi lo xuyên biên giới

Xác nhận của Cục ATVSTP Bộ Y tế cho thấy, sẽ còn có các sản phẩm nhập khẩu khác tiếp tục bị phát hiện có độc tố DEHP

Những người sính hàng ngoại, cụ thể ở đây là hàng thực phẩm, bị một phen hú vía khi các cơ quan chức năng phát hiện thạch Taro cùng 19 loại nước uống nhập khẩu từ Đài Loan bị nhiễm độc tố. Không phải tất cả các mặt hàng nhập khẩu đều đáng lo, nhưng rõ ràng, thực tế này cho thấy, người tiêu dùng không chỉ lo lắng về nhiều loại hàng hoá sản xuất trong nước chưa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, mà là nỗi lo xuyên biên giới với các hàng nhập khẩu.

Có đến 12 doanh nghiệp Đài Loan có sản phẩm bị phát hiện nhiễm DEHP và đang bị thu hồi, trong đó có nhiều sản phẩm được nhập khẩu về Việt Nam. Điển hình là mặt hàng thạch Taro của Công ty New Choice Foods. Còn mới đây nhất, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM phát hiện phụ gia chứa chất gây giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì ở nữ có tên là DEHP. Độc tố này có trong những thức uống có màu bắt mắt, hương vị hấp dẫn người tiêu dùng, như táo, dâu, nho, vải, chanh, cam, xoài…

Vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng mới phát hiện sản phẩm nhiễm độc tố của một số doanh nghiệp nhập khẩu. Trong khi, còn rất nhiều doanh nghiệp khác, nằm trên địa bàn cả nước có nhập khẩu các loại sản phẩm tương tự, chưa thể khẳng định sản phẩm của họ có bị nhiễm hay không. Thêm nữa, việc kiểm tra này dựa trên thông tin cảnh báo của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm từ mạng cảnh báo toàn cầu INFOSAN và cơ quan Y tế Đài Loan cung cấp.

Thực tế trên cho thấy, rõ ràng người tiêu dùng đang ở thế bị động bởi không thể bằng mắt thường có thể phát hiện những độc tố công nghiệp. “Sự thông thái” của người tiêu dùng có lẽ chỉ áp dụng với những thực phẩm tươi sống, bằng kinh nghiệm mua hàng nhiều năm để tránh mua phải sản phẩm ôi, thiu. Còn đối với những sản phẩm sản xuất hàng loạt, mang tính công nghiệp, thì sự “thông thái” này là vô hiệu.

Hơn nữa, những loại hàng hoá này có xuất xứ rõ ràng, có tên nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phân phối, lại được sự xác nhận của các cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có lý gì, người tiêu dùng lại không tin.

Song, đây cũng là bài học để người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, vì tâm lý hàng ngoại chất lượng tốt hơn, tiêu chuẩn cao hơn hàng nội không hoàn toàn đúng. Vì lợi nhuận, văn hoá kinh doanh có thể bị chà đạp ở bất cứ đâu, không phân biệt ranh giới quốc gia. Cách đây không lâu người tiêu dùng từng lo lắng về sữa nhập khẩu nhiễm melamine, nay là nỗi lo thực phẩm nhiễm khuẩn ecoli gây chết người trên thế giới.

Quay trở lại vụ nhiều loại nước giải khát và thạch nhiễm độc ở nước ta, người tiêu dùng chưa dùng thì chưa lo, còn đã dùng rồi thì lo lắng về sức khoẻ bản thân, và không biết kêu ai đền bù cho những thiệt hại về sức khoẻ của mình. Rõ ràng, người tiêu dùng đang là người gánh chịu rủi ro.

Về phía cơ quan chức năng, đến thời điểm này đã có những biện pháp quyết liệt ngay sau khi có thông tin cảnh báo của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm. Hiện nhiều loại sản phẩm bị thu hồi, và mở rộng diện thanh tra các công ty nhập khẩu các mặt hàng này.

Nhưng xem ra, đây vẫn là việc làm bị động chạy theo giải quyết hậu quả, chứ không phải do các cơ quan này chủ động, bằng các biện pháp nghiệp vụ phát hiện ra các chất độc trong hàng hoá nhập khẩu để cấm ngay từ đầu. Các thông tin về sản phẩm, về công ty sản xuất ra các loại hàng hoá nhiễm độc tố là do phía các cơ quan quốc tế cung cấp.

Bên cạnh đó, như xác nhận của Cục ATVSTP Bộ Y tế, khả năng sẽ còn các sản phẩm khác tiếp tục bị phát hiện có độc tố DEHP và sản phẩm có xuất xứ từ các thị trường khác chứ không chỉ từ Đài Loan. Do vậy, việc lấy mẫu xét nghiệm các sản phẩm có sử dụng chất tạo đục trong nước sản xuất vẫn cần được tiến hành để phát hiện sản phẩm có chứa DEHP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Và sâu xa hơn, nếu chúng ta chưa có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát tốt chất lượng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, thì vì sức khoẻ cộng đồng, cần nhanh chóng hoàn thiện ngay, chứ không phải để hàng hoá nhiễm độc lọt vào trong nước rồi mới chạy theo giải quyết. Đây là bài học về sự mất cảnh giác của cả người tiêu dùng cũng như cơ quan chức năng trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng hoá nhập khẩu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên