Nới rộng tín dụng bất động sản: Mất đà
Công văn 8844/NHNN-CSTT ngày 14/11 liệu có tác động rõ rệt đến thị trường?
Những tín hiệu phát đi từ NHNN về khả năng nới lỏng tín dụng bất động sản đang mở ra niềm hy vọng về sự ấm lên của thị trường. Song, động thái này, về thực chất, chỉ là mở ra một cánh cửa thoát hiểm chỉ đủ cho một số ít người thoát ra khỏi một con tàu đang nghiêng ngả.
Đứng đầu trong danh sách được loại ra khỏi danh mục hạn chế này gồm nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay. Nếu nghĩ rằng những người vay mà nguồn trả nợ là tiền lương, tiền công là khách hàng chính của các sản phẩm BĐS hiện nay, quả là thiếu thực tế. Dẫu cho họ là những người có nhu cầu thực, song, họ chỉ có khả năng mua nhà thu nhập thấp bằng cách trả góp qua lương. Và với mức lãi suất cao như hiện nay thì những đối tượng đó chắc chắn sẽ không dám vay để mua nhà.
Một nhóm vay khác là nhu cầu vốn để xây dựng nhà bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Đối tượng này trên thực tế cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường BĐS hiện nay, và dòng tiền vào khu vực trên sẽ không thể làm tan băng trên thị trường.
Một đối tượng BĐS được xem là khát vốn hơn cả là các doanh nghiệp vay vốn để hoàn thiện các dự án phát triển nhà ở được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 01/01/2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Yêu cầu này thoạt tiên khiến rất nhiều chủ đầu tư thở phào, song, khi nhìn vào thời hạn chỉ còn một tháng nữa để hoàn tất thì cánh cửa thoát hiểm coi như đã khép lại. Thực tế, nếu doanh nghiệp nào có thể hoàn tất bàn giao nhà trong vòng 1 tháng nữa thì họ cũng không cần đến khoản vay trên.
Ai có thể thoát hiểm từ con tàu đắm BĐS? Chắc chắn chỉ có những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính để nín thở bơi qua vùng nước xoáy hiện tại. Và những doanh nghiệp đó, chắc chắn không cần phải để ý đến cánh cửa thoát hiểm bé xíu mà NHNN mới bật đèn dẫn lối.
Điều đáng quan tâm là những tín hiệu mở van tín dụng BĐS mà NHNN mới phát ra sẽ không mang tới những tác động rõ rệt đối với thị trường. Trong khi đó, động thái này lại gây thêm áp lực ngược chiều cho những nỗ lực giảm lạm phát của Chính phủ trong suốt cả năm qua. Vậy, câu hỏi cần đặt ra ở đây là: Điều gì sẽ thực sự xảy ra sau cánh cửa thoát hiểm nhỏ bé kia?
Để trả lời câu hỏi này, phải trở lại với những thở than của Bộ Xây dựng, đề nghị “giải cứu” BĐS khi mà đa số các doanh nghiệp trong ngành rơi vào tình trạng thiếu vốn, nợ thuế, không bán được hàng, có nguy cơ phá sản... Nếu điều đó xảy ra, hệ lụy sẽ lan sang hệ thống ngân hàng. Thực tế, khi thị trường còn nóng bỏng, nhiều chủ đầu tư BĐS đã không ngần ngại thực hiện chiến lược “tay không bắt giặc” hoặc sử dụng một tỷ lệ vốn chủ sở hữu rất ít trong các dự án. Số vốn còn lại chủ yếu là huy động từ ngân hàng hoặc từ việc khách hàng trả tiền trước. Và, trong trường hợp dự án triển khai dở dang và ngân hàng lỡ cho vay vốn lớn, thì chủ đầu tư dự án BĐS và ngân hàng đã tự buộc tay với nhau để nhảy cầu. Ngân hàng đứng trước tình thế lưỡng nan, nếu không tiếp tục cho vay để đầu tư thì không biết bao giờ thu hồi được vốn, vì vậy, câu chuyện nới lỏng tín dụng chỉ đơn thuần là một quyết định phóng lao rồi chạy theo. Ngọn lao mà phóng đi quá nhanh, thì bước chạy theo chỉ là một cú mất đà.
Cần nhìn nhận một thực tế: Thị trường BĐS vốn đã phát triển quá nóng, đến mức không thể giải cứu bằng những chính sách tài chính lạnh lẽo. Đây là một bi kịch tất yếu, bi kịch của một nghệ sĩ trình diễn bong bóng mà không làm chủ được hơi thở của mình. Vì vậy, để giải cứu thị trường BĐS đã đến lúc phải coi bi kịch là một kỷ niệm để làm lại từ đầu. Những giải pháp tình thế sẽ chỉ kéo dài sự bối rối, và khiến vết thương khó lành hơn./.