Nông dân chưa trở thành chủ thể của chính sách hỗ trợ
Mọi chính sách hỗ trợ nên đặt người nông dân vào vai trò trung tâm, làm sao để người nông dân trở thành chủ thể quyết định những vấn đề của họ.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã thực thi nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ đó, bộ mặt của nông nghiệp, nông thôn nước ta từng bước được ổn định và không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, trong điều kiện đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn rất cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để sự hỗ trợ ấy của Nhà nước có thể giúp nông dân thực chất hơn?
Trong những năm qua, không ít chính sách hỗ trợ nông dân ở nước ta được xây dựng xuất phát từ chủ ý của Nhà nước mà chưa có cơ chế để nông dân tham gia xây dựng và kiểm soát quá trình thực hiện. Cách làm này không chỉ làm cho hỗ trợ của Nhà nước không phù hợp với nhu cầu mà còn gây nghi ngờ hoặc thái độ thờ ơ với chính sách nhà nước của nông dân. Ví dụ, chính sách hỗ trợ giống khi vụ gieo trồng bị thất bát nhằm giúp nông dân khôi phục lại mùa màng. Khoản hỗ trợ quá nhỏ, không đủ cho nông dân khôi phục lại mùa màng, thậm chí tạo ra sự bất công. Những người trồng lại cây cũ, hiệu quả thấp do trễ thời vụ thì được hỗ trợ trong khi những người chuyển sang trồng cây mới hợp thời vụ hơn thì không được hỗ trợ vốn. Nếu tham vấn người dân thì có thể không cần hỗ trợ mua giống theo kiểu bình quân này. Tuy nhiên, cách hỗ trợ này lại dễ dàng cho các cơ quan quản lý.
Thậm chí, trong những lĩnh vực liên quan đến sinh kế, nông dân cũng ít được tham gia ý kiến như một chủ thể quan trọng. Điển hình là chính sách thu hồi đất sản xuất nông nghiệp.
Chính sách hỗ trợ cần giao quyền chủ động hơn nữa cho nông dân |
Trong chính sách đất đai, nông dân chưa được coi là trung tâm, là chủ thể của quá trình quy hoạch, thu hồi đất và xây dựng các công trình trên đất thu hồi. Họ chưa được hỏi đầy đủ và thưa được tham gia các quá trình đàm phán về mục đích sử dụng đất và giá thu hồi với tư cách là một chủ thể của quá trình giao dịch hàng hoá. Trong quy hoạch và thu hồi đất nông nghiệp, người nông dân từ vị trí là người làm chủ lại trở thành người đóng vai trò mờ nhạt. Các doanh nghiệp mua đất của nông dân chủ yếu thảo luận với chính quyền địa phương, sau đó, bằng nhiều cách khác nhau, để người dân nhận một khoản đền bù không hợp lý. Điều đó dẫn đến 85% khiếu kiện của nhân dân liên quan đến vấn đề ruộng đất. Những tiêu cực trong vấn đề quản lý thu hồi và giao đất không những tác động tới tiến trình sử dụng đất đai hiệu quả mà còn nảy sinh những mâu thuẫn, trở thành một vấn đề xã hội bức xúc.
Nhà nước đề ra các chương trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất và vận động nông dân thực hiện. Ở một số vùng, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chỉ dẫn của Nhà nước nhưng không thành công; hoặc chuyển đất sản xuất lúa sang nuôi cá, tôm nhưng khi thị trường rớt giá, Nhà nước đều chưa có chính sách hỗ trợ thu nhập…
Thực tế chỉ ra rằng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ đem lại hiệu quả khi có nông dân tham gia, để họ phản ánh nguyện vọng cho các nhà hoạch định chính sách cũng như giám sát quá trình triển khai chính sách. Mọi chính sách hỗ trợ nên đặt người nông dân vào vai trò trung tâm, phải làm sao để người nông dân trở thành chủ thể quyết định những vấn đề của họ. Chỉ khi nông dân được xác định là trung tâm của một chính sách thì chính sách ấy mới có thể phát huy tác dụng tích cực.
Đổi mới phương thực hoạch định chính sách hỗ trợ nông dân theo hướng giao quyền chủ động nhiều hơn nữa cho nông dân và tăng trách nhiệm giải trình trước nông dân của các cơ quan Nhà nước là một trong những công việc cần làm để những hỗ trợ của Nhà nước đem lại hiệu quả thiết thực với người dân./.