Nông dân có thể “điều tiết” giá thị trường!
Câu chuyện giá hồ tiêu năm nay đã cho nông dân bài học kinh nghiệm quý báu khi họ biết tích trữ hàng hoá và chỉ bán ra khi được giá cao
Việc tích trữ hàng đã giúp người nông dân có thể “điều tiết” được giá cả thị trường và thu về nguồn lợi lớn, với giá bán hồ tiêu cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi nhiều loại cây trồng khác như lúa gạo, cà phê, cao su, mía đường… người nông dân luôn phải chịu cảnh được mùa, mất giá thì người trồng tiêu ở các vùng tiêu trọng điểm như Gia Lai, Đắk Nông, Vũng Tàu… nhiều năm nay đã gần như chủ động hoàn toàn được khâu trữ hàng và chỉ bán ra khi giá cao.
Ngành hồ tiêu Việt Nam đã và đang khẳng định được vị trí của mình trên thị trường thế giới với kim ngạch xuất khẩu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Điều này không chỉ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu mà còn đem đến nguồn thu nhập lớn cho doanh nghiệp và nông dân trồng tiêu. Từ đầu năm đến nay, hồ tiêu Việt Nam đã xuất khẩu gần 40.000 tấn. Số lượng xuất khẩu sẽ còn tăng hơn nữa do nhu cầu trên thị trường thế giới đang ngày một tăng cao, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ đạt mốc 500 triệu USD.
Các nhà nhập khẩu EU và Mỹ cũng đang rất năng động tìm kiếm các nguồn hàng tại Việt Nam. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành trung tâm chính của thị trường hạt tiêu quốc tế.
Là nước chiếm giữ 1/3 sản lượng, việc Việt Nam có thể chủ động điều tiết được thị trường hồ tiêu thế giới sẽ không là quá khó nếu chúng ta có chiến lược trong điều tiết cung - cầu hợp lý. Từ thực tế cách làm của người nông dân trong niên vụ hồ tiêu vừa qua cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể chi phối được giá cả trên thị trường nếu biết cách phối hợp tổ chức thực hiện tốt giữa nông dân với doanh nghiệp.
Tích trữ hồ tiêu là tư duy rất mới của nông dân khi coi hàng hóa như một tài sản, thay vì giữ tiền, giữ vàng. Cây tiêu khác với nhiều loại nông sản khác, việc trữ hàng không khó. Hạt tiêu khô có thể đóng bao, để vài năm trong nhà vẫn không bị hư mọt. Thêm vào đó, hiện nay nhiều người trồng tiêu đã biết tham khảo thị trường trên Internet bằng cách truy cập các website của ngành hay các sàn giao dịch hồ tiêu nước ngoài. Nhờ vậy, họ có thể chủ động nắm bắt giá cả và chỉ bán ra khi thấy có lợi nhất.
Có thể nói tư duy này của người nông dân rất tích cực. Họ đã biết đề cao giá trị của hàng hóa và coi trọng sản phẩm mà mình làm ra. Tất nhiên, việc người nông dân trữ hàng, găm hàng chờ giá cao mới bán, cũng khiến cho doanh nghiệp nhiều phen khốn đốn.
Bên cạnh những bất lợi mà các doanh nghiệp làm ăn kiểu “chộp giật” phải lãnh đủ, thì cũng cần nhìn nhận một cách khách quan hơn về cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và nông dân, càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của mối liên kết giữa người sản xuất và người thu mua, để từ đó có cách làm hiệu quả nhất.
Làm được điều này, có lợi không chỉ nông dân, doanh nghiệp mà còn góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của một ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Việc quan tâm, tổ chức đầu tư vùng nguyên liệu, chủ động xây dựng hợp đồng thu mua ngay từ đầu vụ với giá cả hợp lý và những cam kết thỏa đáng sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh được nhiều “vụ” bị trễ hoặc phá vỡ hợp đồng, tiến tới sản xuất nông nghiệp một cách bền vững.
Từ kinh nghiệm của người trồng hồ tiêu, cũng có thể nhìn rộng ra tư duy của người nông dân với các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu như lúa gạo, cà phê, điều…
Nếu cả doanh nghiệp, người nông dân cùng phối hợp chặt chẽ và gắn bó làm ăn lâu dài với nhau trên cơ sở cùng có lợi, để đưa ra được chiến lược kinh doanh hợp lý, chớp thời cơ thì việc chủ động trong mua – bán và điều tiết thị trường sẽ không là quá khó./.