Nóng - lạnh thị trường bất động sản và bài học quản lý
Cũng giống như khi sốt nóng, thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội “xì hơi” nhanh chóng trong một tuần trở lại đây. Không ít nhà đầu tư thất bại nặng nề. Sự việc này cho thấy nhiều điều đáng bàn trong công tác quản lý.
Trong trạng thái dở khóc dở cười, nhiều nhà đầu tư đất phía Tây Hà Nội giờ đây muốn “cắt lỗ” e rằng cũng khó vì giá đất tụt xuống không phanh và gần như trong trạng thái đóng băng không có giao dịch. Một kết cục có thể dự đoán được cho một trào lưu "lướt sóng" bất động sản giống hệt như kiểu “nhắm mắt” đầu tư chứng khoán vài năm trước đây. Hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở mức độ “vỡ mộng” và trong trạng thái như ngồi trên đống lửa của những người trót ôm đất Ba Vì mà còn đó cả câu chuyện quản lý và những kẽ hở pháp lý cần phải lấp đầy.
Trước hết, cũng phải khẳng định là cơn sốt đất vừa qua ở phía Tây Hà Nội khởi nguồn từ thông tin quy hoạch và qua các cuộc triển lãm bản Quy hoạch chung Thủ đô, tạo ra hiệu ứng của rất nhiều người là có thể đầu cơ đất ở phía Tây để kiếm tiền một cách nhanh chóng. Chúng ta cũng không loại trừ khả năng thị trường đã bị “giật dây” và làm trò kích giá bởi một nhóm lợi ích để đưa những nhà đầu tư non nớt vào “tròng”. Đã có những giao dịch có tính chất “cầu” giả, tức là đầu cơ tích trữ, tự mua đi bán lại với nhau, thậm chí có hiện tượng bố trí những giao dịch giả để kích giá đất lên. Tất nhiên, các cò đất đã có cơ hội tha hồ trổ các món nghề đề kiếm lời.
Trong khi người ta dễ dàng mua đất, dễ dàng bán đất và dễ dàng sang tên đổi chủ hay nói cách khác là mua bán trên giấy, thì chính quyền địa phương lại không có những phản ứng kịp thời.
Đã đến lúc cần phải bàn đến trách nhiệm của cơ quan chức năng khi đưa ra bản quy hoạch, song lại không có động thái ngăn chặn những tiêu cực nảy sinh và chính quyền địa phương đã lơ là trách nhiệm, để tình trạng chuyển nhượng tự do, chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp diễn ra một cách ồ ạt và đễ dàng. Tới khi sốt đất lên quá cao, Bộ Xây Dựng - một trong những cơ quan có trách nhiệm quản lý thị trường bất động sản mới đưa ra cảnh báo và thừa nhận: “giá đất… mất quyền kiểm soát”. Trong khi đó những cảnh báo này cũng chưa thật sự rõ ràng, minh bạch. Điều đó cũng có nghĩa, trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân, các cơ quan chức năng làm chưa tốt.
Nói như GS - TS KH, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đặng Hùng Võ để xảy ra việc đầu cơ, buôn bán đất một cách tự do như vậy, lỗi đầu tiên là ở chính quyền địa phương. Luật Đất đai hiện nay đã giao cho cấp xã, phường những trọng trách rất lớn. Công cụ quản lý còn có kẽ hở và bộ máy quản lý yếu kém cũng là những nguyên nhân quan trọng.
Sự chồng chéo là điều thấy rõ nhất trong quản lý bất động sản hiện nay. Đã từ rất lâu, thị trường bất động sản không chịu sự quản lý của riêng một Bộ, ngành hay địa phương nào. Ví dụ, trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Bộ Xây dựng lại khẩn trương chuẩn bị soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, trong đó có quy định cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà. Hay như một tình trạng khác, không ít dự án nhà ở kéo dài, chiếm đất đồng thời vi phạm cả Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... nhưng trách nhiệm xử lý chính lại không thuộc thẩm quyền của cơ quan cụ thể nào.
Rõ ràng, đang có những rào cản và bất cập trong cách thức vận hành quản lý thị trường bất động sản. Những bất cập này tạo ra nhiều hệ lụy và nó khiến cho thị trường bất động sản không phát huy được vai trò là một trong những động lực quan trọng trong nền kinh tế. Đó cũng là nguyên nhân tạo nên những cơn sốt nhà đất, đẩy giá bất động sản lên cao một cách vô lý, ảnh hưởng không nhỏ đến đầu tư phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân./.