Nông sản Việt hạn chế lệ thuộc để tránh thiệt hại
VOV.VN-Với cách sản xuất manh mún, công nghệ bảo quản lạc hậu thì rất khó để nông sản Việt có thể cạnh tranh với thị trường thế giới.
Mặc dù trong bối cảnh diễn biến trên Biển Đông còn căng thẳng, phức tạp nhưng việc kinh doanh buôn bán thương mại giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Việc quá lệ thuộc vào một thị trường sẽ gây ra sự bấp bênh, thiếu ổn định và gánh chịu những thiệt hại không nhỏ khi có biến cố bất thường.
Những năm qua, mừng khi kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta liên tục tăng. Ngay cả 5 tháng đầu năm nay, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt trên 12 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, cũng còn rất nhiều nỗi lo cho nông sản nước nhà, trong đó việc xuất khẩu nông sản quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản xuất qua Trung Quốc chiếm tỷ lệ hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước. Các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cao su, trái cây… lệ thuộc lớn vào thị trường này qua cả đường tiểu ngạch lẫn chính ngạch.
Việt Nam cần chủ động mở rộng thị trường, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản (Ảnh minh họa - Đại đoàn kết) |
Điển hình như mặt hàng gạo, năm 2013, Việt Nam xuất chính ngạch sang Trung Quốc hơn 2 triệu tấn gạo, chiếm 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu, ngoài ra còn xuất tiểu ngạch khoảng 1,6 triệu tấn gạo nữa. Cũng trong năm 2013, trong số hơn 1 triệu tấn cao su mà Việt Nam xuất khẩu, thì Trung Quốc mua đến 45%. Đây cũng vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 32% thị phần.
Thị trường Trung Quốc dễ tính và không yêu cầu cao về chất lượng, thủ tục lại nhanh gọn... nên thương lái nước ta rất chuộng bán hàng sang thị trường này. Tuy nhiên, do việc quá phụ thuộc vào thị trường này nên khi có vấn đề thông quan ở biên giới, ngay lập tức hàng chục tấn rau, quả sẽ bị kẹt lại, không bán được, thậm chí phải đổ đi như chuyện dưa hấu vừa qua hay đối với nhiều mặt hàng rau, củ quả khác trong thời gian trước đây. Cái bất lợi rõ ràng nữa khi bán hàng nông sản qua Trung Quốc là đa phần các mặt hàng đều xuất qua đường tiểu ngạch, luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với thương nhân và bà con nông dân nước ta.
Mặc dù nông sản Việt Nam đã có mặt ở thị trường hơn 100 quốc gia trên thế giới nhưng những điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm đã khiến việc xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính rất hạn chế. Đơn cử các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ từ 1-3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản; với Hàn Quốc cũng ở mức dưới 5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này. Với cách sản xuất manh mún, công nghệ bảo quản chế biến lạc hậu, thô sơ; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo thì rất khó để nông sản Việt có thể cạnh tranh và mở rộng thị trường trên thế giới.
Những năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về thành tích vượt bậc của ngành nông nghiệp trong việc gia tăng sản lượng, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Thế nhưng, những mặt hàng nông sản chủ lực của nước nhà như gạo, ngô, cà phê, chè… có năng suất cao hàng đầu thế giới, thì giá trị gia tăng lại rất thấp. Mặc dù năng suất cao nhưng chi phí sản xuất cũng cao, tổn thất sau thu hoạch lớn, chất lượng không đảm bảo, khó cạnh tranh nên giá bán thấp là lẽ đương nhiên.
Vì thế, việc chủ động tìm và mở rộng thị trường, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản trong nước chính là việc cần làm ngay để không chỉ thích ứng với tình hình mới mà cũng là một nội dung quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà các địa phương đang rốt ráo thực hiện.
Sản xuất không thể tùy tiện, làm theo thói quen và thiếu quy hoạch được nữa, mà cần áp dụng theo các tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới; gia tăng nhiều hơn hàm lượng khoa học công nghệ để tăng chất lượng, độ an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo quản, chế biến nông sản. Việc chủ động dự báo thị trường, quảng bá những nông sản đặc sản cũng cần được tổ chức một cách bài bản, tạo sự riêng biệt, hấp dẫn cho sản phẩm và tìm cách tiếp thị đến các thị trường khác nhau để từng bước xâm nhập, chiếm lĩnh được các thị trường mới trên thế giới./.