Ô nhiễm môi trường- vị đắng đầu tư

Doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường, còn người dân phải nếm trải vị đắng từ việc thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Cách đây 1 tuần, Phòng 2, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện thêm một doanh nghiệp là Công ty TNHH Longtech Precision Việt Nam (Công ty Longtech), trụ sở chính tại KCN Quế Võ, xã Vân Dương, TP Bắc Ninh xả thải trộm ra mội trường.

Đường ống xả trộm nước thải của công ty Longtech được ngụy trang khéo léo (ảnh KT)

Điểm đáng tiếc, đây tiếp tục là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với những thủ đoạn cũ không khác gì của Vedan hay Tungkuang, những “điển hình” trước đó. Phải chăng chế tài xử phạt cho những hành vi nghiêm trọng này chưa đủ sức răn đe nên nó lại được tiếp diễn và dư luận xã hội cũng không còn coi đó là những sự việc nghiêm trọng nữa?

Cách đây 3 năm, sự việc Công ty Vedan Việt Nam bị phát hiện xả thải trái phép ra môi trường, đầu độc sông Thị Vải đã trở thành quả “bom tấn” với truyền thông và dư luận khi đó. Hàng triệu nông dân sau đó đã có đơn kiến nghị gửi các địa phương yêu cầu donh nghiệp này phải bồi thường những chất thải nguy hại của công ty gây ra. Phải mất hơn 2 năm, vụ việc mới được giải quyết ổn thỏa, doanh nghiệp đã phải trả giá đắt cho hành vi của mình.

Một năm sau đó, một công ty FDI khác có trụ sở đặt tại Hải Dương là Tungkuang lại đi theo “vết xe đổ” đó khi bị Cảnh sát môi trường phát hiện xả thải trái phép ra môi trường. Vụ việc đã gây ồn ã một thời gian rồi cũng “chìm vào quên lãng”.

Và bây giờ đến lượt Longtech Precision. Tuy nhiên, không phải mất tới 1 năm, chỉ một tuần trôi qua, trên các phương tiện truyền thông, đã không còn ai nhắc đến vụ này nữa? Phải chăng, khi các vụ việc vi phạm nghiêm trọng về môi trường diễn ra thường xuyên hơn, người ta đã “quen” với việc môi trường sống bị đầu độc? Tâm lý buông xuôi trước ô nhiễm của dư luận vô hình chung đã đẩy các nhà đầu tư thiếu trách nhiệm lấn sâu hơn vào những hành vi tội lỗi.

Giống như Tungkuang, ngay khi mới đặt chân vào Việt Nam, Longtech đã xây dựng song song 2 hệ thống xả thải: một chính thức, một xả trộm. Longtech cũng ngụy trang khéo léo đường ống xả ngầm dưới bờ tường gần cửa xưởng, phía trên trồng cỏ, rồi nối vào đường ống xả nước mưa, xả thẳng ra môi trường để che mắt các cơ quan chức năng. Đến khi bị phát hiện rồi, chủ doanh nghiệp và các bộ phận trong công ty cứ vòng vo đổ lỗi cho nhau và không có bất kỳ ai đứng ra chịu trách nhiệm?

Rõ ràng những “vị khách” được trải thảm đỏ mời gọi đầu tư này khi đặt chân đến Việt Nam đã mang theo âm mưu trốn tránh những khoản đầu tư đắt đỏ về xử lý nước thải, ngang nhiên đầu độc môi trường. Và nếu không có những chế tài đủ mạnh, ai dám khẳng định sẽ không có những doanh nghiệp X, Y, Z cả trong nước và nước ngoài lặp lại những hành vi tương tự? Tại sao các cơ quan chức năng chưa từng đặt câu hỏi: Vì sao các dự án sản xuất công nghiệp nhà đầu tư hay chọn xây dựng ở lưu vực sông hay các kênh mương?

Vedan, Tungkuang hay Longtech rõ ràng là hệ lụy của một thời chúng ta quá “say sưa” thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, bỏ qua hoặc làm lấy lệ đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư nước ngoài. Và hậu quả ô nhiễm môi trường mà người dân phải nếm trải là vị đắng từ việc thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, kiên quyết trong cấp phép và mạch lạc trong quy hoạch các KCN trọng điểm là 2 giải pháp được đặt song song. Chẳng hạn như trong một KCN cần phải điều phối để cho những cơ sở sản xuất có thể liên hợp với nhau như thành phẩm hay phế thải của cơ sở này sẽ là nguyên liệu của một cơ sở khác, hay ngược lại.

Dù có phải cạnh tranh quyết liệt trong thu hút đầu tư thì đã đến lúc, Việt Nam phải kiên quyết lựa chọn dự án, kiên quyết không cấp phép hoặc thu hồi giấy phép của những dự án không có khả năng thực hiện, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu gây tốn nhiên liệu và tác động xấu tới môi trường. Như quyết tâm của ông Bùi Cách Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cách đây chưa lâu: “Bây giờ là lúc chúng ta không thể nhân nhượng với các hành vi hủy hoại môi trường, đầu độc sức khỏe của người dân”.

Câu chuyện vòng vo đổ lỗi cho nhau, không có người đứng ra nhận trách nhiệm khi sự việc bị phanh phui cũng sẽ được xử lý triệt để nếu ngay từ khi cấp phép đầu tư phải có điều khoản quy định: Giám đốc điều hành doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm về môi trường.

Với các nước đang phát triển, vốn đầu tư phải được trân trọng và nâng niu song cũng phải được chắt lọc. Nếu biết trải thảm đỏ mời gọi những nhà đầu tư có trách nhiệm, trọng chữ tín thì cũng phải biết từ chối những nhà đầu tư chỉ vì cái lợi trước mắt, đem trái đắng đầu độc môi trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên