ODA và việc giữ thể diện quốc gia

Nếu thực sự có sai phạm trong các dự án đang bị Chính phủ Đan Mạch dừng tài trợ, như báo cáo chỉ rõ, thì đây là một việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng tới thể diện quốc gia.  

Đại sứ quán Đan Mạch ngày 1/6 đăng thông cáo báo chí về việc Đan Mạch tạm ngừng viện trợ cho 3 trong số 4 dự án tài trợ nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Việt Nam, bởi phát hiện sai phạm trong sử dụng kinh phí, gây xôn xao dư luận. Vụ việc đang được các Bộ, ngành chức năng của nước ta phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch làm rõ, nhưng từ đây lại dấy lên mối băn khoăn về hiệu quả sử dụng tài trợ, nhất là sự việc này được công bố chỉ mấy ngày trước khi diễn ra Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ, được tổ chức tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Theo thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao Đan Mạch, 4 dự án tài trợ cho Việt Nam nghiên cứu về biến đổi khí hậu được giải ngân từ tháng 10/2011. Chỉ sau vài tháng triển khai, cơ quan kiểm toán Đan Mạch và một công ty kiểm toán độc lập vào cuộc, đã phát hiện 4 dự án đều có dấu hiệu sai phạm. Mỗi dự án khi triển khai có đối tác của cả phía Việt Nam và Đan Mạch tham gia, nhưng theo khẳng định của đơn vị kiểm toán, thì “tất cả sai phạm đều nằm ở phía đối tác Việt Nam”.

Cụ thể hơn, theo các báo cáo kiểm toán, tổng vốn viện trợ cho 4 dự án này là 19,9 triệu kroner Đan Mạch, tương đương 69 tỷ đồng. Trong đó, số tiền rót cho các đối tác phía Việt Nam thực hiện là 14,12 triệu kroner (tương đương 49,1 tỷ đồng) và phần nghi chi sai chiếm hơn 23%, tức 3,3 triệu kroner (tương đương 11,4 tỷ đồng).

Thông tin vụ việc thế nào còn phải xác minh, làm rõ. Nhưng quả tình, đối với nhiều nhà khoa học trong nước, những người đã từng tham gia các dự án viện trợ, đây quả là cú sốc khi nhận được thông tin này. Bởi từ trước đến nay, nguồn viện trợ không hoàn lại cho các Chính phủ, các định chế tài chính lớn trên thế giới tài trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, thường được giám sát, kiểm tra và tuân thủ theo những quy trình rất chặt chẽ, chuyên nghiệp.

Cũng chính nhờ vậy, nguồn viện trợ này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam trong gần 20 năm qua, kể từ khi các nhà tài trợ nối lại viện trợ cho nước ta từ năm 1993. Cũng nhờ những đồng vốn tài trợ này, chúng ta hoàn thành vượt mốc thời gian 5 trong số 8 Mục tiêu thiên niên kỷ về an sinh xã hội, và những mục tiêu còn lại hoàn toàn có thể đạt được vào năm 2015 – theo lộ trình LHQ đề ra.

Nhờ tham dự các dự án tài trợ, năng lực nghiên cứu, triển khai dự án, chất lượng nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học của Việt Nam tiến bộ rõ rệt, và có thể nói, đây là nguồn lực chất lượng cao trong nghiên cứu khoa học, là hạt nhân để thực hiện mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Nếu thực sự có sai phạm trong các dự án đang bị Chính phủ Đan Mạch dừng tài trợ, như báo cáo kiểm toán độc lập chỉ rõ “sai phạm chỉ ở phía Việt Nam”, thì đây là một việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng tới thể diện quốc gia.

Bởi, nếu chỉ so sánh con số tiền sai phạm, như trong báo cáo kiểm toán, khoảng “mười mấy tỷ đồng”, chưa là gì cả so với những vụ tham nhũng, rút ruột công trình ở các dự án trong nước đã bị phanh phui từ trước đến nay. Nhưng đây lại là nguồn tài trợ, là tiền đóng thuế của từng công dân nước tài trợ, họ chắt chiu để tài trợ cho chúng ta, thì đương nhiên họ sẽ phản ứng hết sức gay gắt – chính là động thái ngừng tài trợ - như vừa rồi, để xem xét vụ việc. Và cắt hoàn toàn tài trợ, cũng là việc hế sức có lý.

Các nhà tài trợ quốc tế cũng sẽ xem xét, cân nhắc về việc tài trợ không hoàn lại, hoặc xem xét những ưu đãi khi cho vay vốn như lãi suất, thời gian ân hạn, nếu định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những vụ việc như thế này.

Chúng ta còn nhờ việc Nhật Bản – một trong những nhà tài trợ vốn phát triển chính thức ODA lớn nhất cho Việt Nam, đã phản ứng gay gắt như thế nào trong vụ đưa, nhận hối lộ trong dự án PCI cách đây hơn 2 năm. Chính phủ Nhật đã phải cân nhắc, và rất may cho chúng ta, với uy tín mà Việt Nam đã gây dựng được khi triển khai khá hiệu quả các dự án ODA, đã thuyết phục Chính phủ Nhật tiếp tục tài trợ vốn cho Việt Nam.

Qua gần 20 kỳ họp của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ với Việt Nam, tới nay có thể khẳng định: Các nhà tài trợ vẫn đánh gia nước ta là một trong số những nước sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ, cho nên dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, về lý thuyết, các nguồn tài trợ sẽ giảm đi, mà thay vào đó là các khoản vay thương mại, nhưng chúng ta vẫn nhận được những cam kết tài trợ hết sức quý báu của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới.

Vì vậy, những vụ việc như Chính phủ Đan Mạch dừng tài trợ cho các dự án nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Việt Nam để làm rõ sai phạm, sẽ là lời cảnh báo mức cao nhất đối với các cơ quan chức năng, các đơn vị được tiếp nhận, triển khai nguồn vốn tài trợ, làm sao không để “con sâu làm rầu nồi canh”, phá hỏng thành quả gây dựng được từ nhiều năm qua, là sự tín nhiệm chúng ta giành được từ cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên