Phải biết nghe, nhận xét, phê bình mặt chưa tốt…
Muốn dẹp được cái xấu, đẩy lùi cái tiêu cực, thì phải nhận diện, chỉ ra đúng cái xấu, cái tiêu cực, phải biết cái xấu ở đâu, như thế nào…
Nhân hội nghị Đảng bộ thành phố Hà Nội đầu năm 2010, trả lời báo chí về việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị thẳng thắn: "Thông thường người ta chỉ thích nói mặt tốt nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ nếu làm lãnh đạo thì phải thật sự quan tâm đến thông tin nhiều chiều. Chiều tốt để động viên, khích lệ, nhưng đâu phải xã hội chỉ cần khuyến khích mặt tốt mà không cần chú ý đầy đủ đến mặt yếu kém?".
Dư luận báo chí hoan nghênh thái độ cởi mở, thẳng thắn, cách đặt vấn đề biện chứng và rất thời sự của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị. Vị lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất của Đảng bộ Thủ đô còn nhấn mạnh: “Là người lãnh đạo thì không thể chỉ thích nói, thích nghe mặt tốt mà còn phải hướng đến khắc phục cả mặt yếu kém. Như vậy mới có một bộ máy vận hành lành mạnh. Cho nên, chủ động cung cấp thông tin không phải chỉ nói mặt tốt, động viên cái tốt là cần nhưng giám sát cái không tốt, hơn nữa gây áp lực để lãnh đạo chỉ đạo giải quyết vấn đề chưa tốt cũng rất cần thiết”.
Sự vật, hiện tượng đều có hai mặt: Tốt và xấu, tiến bộ và lạc hậu, trái và phải, chính diện và phản diện… Nhiều khi cái xấu, cái tiêu cực được che đậy rất khéo, rất tinh vi, khó nhận ra; có lúc, có nơi cái xấu lấn lướt cái tốt, thành phổ biến, làm cho phải trái thiếu phân minh, thách thức cả dư luận. Phải làm cho cả cộng đồng có thói quen đồng lòng ủng hộ cái tốt, cái tích cực, phát hiện và lên án, đẩy lùi cái xấu… Phải làm cho mỗi con người biết tự điều chỉnh hành vi của mình, biết xấu hổ, tránh điều xấu, làm nhiều điều tốt.
Chúng ta chủ trương lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực là cách nhìn nhận tích cực, nhằm hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện hệ thống để vun đắp một xã hội đạt đến chuẩn mực hướng thiện cao hơn. Nhưng muốn dẹp được cái xấu, đẩy lùi cái tiêu cực, thì phải nhận diện, chỉ ra đúng cái xấu, cái tiêu cực, phải biết cái xấu ở đâu, như thế nào…
Một khi một cá nhân hay một tổ chức chỉ ra một cách trung thực, chính xác những mặt yếu kém, tiêu cực của bản thân, tổ chức, thì đấy đã là một thắng lợi, vì đã thể hiện bản lĩnh và sức mạnh của cá nhân và tổ chức đó. Chỉ những cá nhân hướng thiện, những tổ chức vững mạnh biết cầu thị mới dám chỉ ra, mới biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý phê bình.
Thực tế cho thấy, những cá nhân, tổ chức không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, thì ngày càng lao vào khuyết điểm, càng giảm sút uy tín. Như cách nói của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, thì: "Thật ra không có gì cao siêu cả. Cái chính là dám vì việc chung. Nếu thật sự vì mong muốn cái chung tốt đẹp hơn thì sẽ không ngoảnh mặt với ai đó nhận xét, phê bình mặt chưa tốt của mình".
Từ ngày thành lập Đảng và từ những ngày chính quyền cách mạng non trẻ ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chủ trương thực hiện phê bình và tự phê bình, nhằm chỉ ra những mặt yếu kém, tiêu cực trong bộ máy tổ chức và từng cá nhân để chỉnh đốn, sửa chữa.
Hơn 20 năm trước, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc bấy giờ đã khởi xướng mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân dân, nêu những vụ việc yếu kém, trì trệ của một số tổ chức, cá nhân cụ thể, nhằm tạo áp lực về dư luận buộc những ai vi phạm phải khắc phục, sửa chữa.
Gần đây, Ban Kiểm tra Trung ương của Đảng đã công khai kết luận kiểm tra xử lý đảng viên của Đảng. Những vụ việc đảng viên vi phạm, từ cá nhân đến tập thể, từ cấp tỉnh đến cấp trung ương đều được công khai trên các phương tiện truyền thông. Việc làm này không làm xấu đi hình ảnh, bản chất của Đảng, mà ngược lại, càng thể hiện rằng sức mạnh của tổ chức Đảng ta đang được tăng cường, sức chiến đấu ngày một nâng cao, niềm tin của dân với Đảng đang được củng cố.
Một số tổ chức, cá nhân ngại công khai thiếu sót, khuyết điểm thường biện hộ rằng, đó là vấn đề nhạy cảm, rằng kẻ địch lợi dụng, rằng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng… Chính Bác Hồ đã "hoá giải" căn bệnh này, khi Người chỉ rõ: "Nếu nói “phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta” là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng la lết quả dưa".
Và vì thế, chúng ta không ngại ngần khi công khai những mặt yếu kém, tiêu cực của chính chúng ta. Vấn đề là những thông tin đó phải khách quan, trung thực và mang tính xây dựng./.