Phải phát huy nhưng không thể phát triển bằng mọi giá

Giới thiệu “Dự án Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025” đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó có nhiều ý kiến phản biện rất đáng quan tâm.  

Mới đây, trong một hội thảo khoa học về phát triển ngành công nghiệp này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Tiềm năng có thể phát huy được, phải phát huy, nhưng không thể phát triển bằng mọi giá”.

Việt Nam có 3 loại khoáng sản chính có trữ lượng lớn, đó là than đá, dầu khí và bô-xít. Các mỏ than chính nằm tập trung ở vùng Đông Bắc và miền núi phía Bắc, được khai thác từ cuối thế kỷ 19 đến nay và dự kiến sẽ cạn trong vài thập kỷ tới. Các mỏ dầu khí nằm tập trung ở vùng thềm lục địa phía Nam bắt đầu được khai thác từ năm 1986, mỗi năm mang về cho đất nước hàng chục tỷ USD, đóng góp phần 20% tổng thu nhập quốc nội (GDP). Tuy nhiên, trữ lượng dầu khí của chúng ta chỉ có hạn. Chính vì vậy, trong thế kỷ này, ngành Khai khoáng kỳ vọng vào bô-xít.

Với trữ lượng 5,4 tỷ tấn nằm tập trung ở Tây Nguyên, các mỏ bô-xít được xem là cơ hội, sẽ mở ra một ngành công nghiệp khai thác và chế biến tinh quặng nhôm (alumina) và nhôm kim loại phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Kỳ vọng ấy là thực tế bởi nhôm là kim loại được sử dụng phổ biến trong các ngành công nghiệp. Nhu cầu nhôm đang ngày càng gia tăng. Hiện nay, mỗi năm, thế giới tiêu thụ trên dưới 40 triệu tấn nhôm. Nếu khai thác và chế biến với công suất dự kiến là 8 triệu tấn tinh quặng nhôm và nhôm kim loại mỗi năm, trữ lượng bô-xít ở Tây Nguyên cho phép khai thác trong vòng 300 năm và nước ta có cơ hội trở thành quốc gia sản xuất nhôm có vị trí quan trọng trên thế giới.

Tuy nhiên, xung quanh các dự án thăm dò và khai thác bô-xít lại đang có nhiều ý kiến rất khác nhau. Các ý kiến trái chiều đưa ra quan ngại về môi trường, môi sinh, vấn đề xã hội và an ninh quốc gia. Các mỏ bô-xít ở Tây Nguyên đều nằm lộ thiên, thuận lợi cho khai thác nhưng cũng rất dễ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Khai thác theo kiểu cuốn chiếu, sau khai thác sẽ hoàn thổ. Mỗi khai trường cũng rộng ít nhất từ 10 đến 20 ha, trong quá trình khai thác sẽ gây bụi, thay đổi diện mạo địa hình. Trong quá trình tuyển rửa quặng sẽ có tới 60% khối lượng là bùn thải. Trong công đoạn này cũng dùng tới rất nhiều nước – trong khi nguồn nước ở Tây Nguyên rất có hạn sẽ ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp.

Đối với hoạt động sản xuất alumina, công nghệ thủy luyện bằng kiềm sẽ thải ra bùn thải đỏ. Để có một tấn tinh quặng nhôm, công nghệ này sẽ thải ra từ 1,2 đến 1,5 tấn bùn đỏ, rất dễ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước.

Khai thác bô-xít sẽ không thể tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, trong khi đó nếu không quản lý và giám sát tốt, hoạt động này sẽ ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp, nguồn sống chính của người dân địa phương. Có những lo ngại xa hơn, nếu phát triển ồ ạt, ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến tinh quặng nhôm, có thể sẽ ảnh hưởng đến tập quán sống, thậm chí phá vỡ cơ cấu xã hội của cộng đồng cư dân địa phương. Ý kiến này là phản biện của nhiều nhà khoa học có tâm huyết.

Ít có dự án phát triển nào lại có nhiều ý kiến phản biện như dự án này. Nhiều ý kiến cho rằng: Khai thác bô–xít và phát triển ngành công nghiệp sản xuất nhôm ở Tây Nguyên là cơ hội nhưng phải cân nhắc về thời điểm. Chẳng hạn như điện phân nhôm là công đoạn sử dụng rất nhiều điện năng trong khi năng lực sản xuất điện của chúng ta còn có hạn. Hơn nữa với giá điện như hiện nay thì sản xuất nhôm sẽ lỗ. Nếu xây dựng một nhà máy điện dành riêng cho ngành công nghiệp này với giá hợp lý thì sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Hay như để đảm bảo phát triển bền vững cho các ngành kinh tế khác trên địa bàn, tại sao không đợi đến khi có công nghệ tuyển quặng khô thay vì công nghệ tuyển rửa bằng nước như đã chọn.

Hiện nay, công nghệ này đang được nghiên cứu ở một số quốc gia. Mặt khác, tại sao chúng ta lại phát triển ngành công nghiệp nhậy cảm với môi trường này vào lúc mà một quốc gia láng giềng và cũng là một nhà khai thác và sản xuất nhôm vừa quyết định đóng cửa gần 100 mỏ khai thác bô xít vì lý do gây ô nhiễm?

Thực ra để phát triển ngành công nghiệp này không thể không ảnh hưởng đến môi trường. Vấn đề là phát huy cao nhất tính hiệu quả và giảm ô nhiễm. Để đạt được tiêu chí ấy, dường như lúc này chưa phải là lúc phát triển ồ ạt. Với một ngành công nghiệp nhậy cảm với môi trường, cần phải khai thác thí điểm, rút kinh nghiệm rồi mới mở rộng quy mô.

Xin nhắc lại ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong một hội thảo mới đây: “Tiềm năng có thể phát huy được, phải phát huy, nhưng không thể phát triển bằng mọi giá”. Ý kiến đưa ra lúc này đây thật sáng suốt, bởi lẽ bô-xít là tài nguyên thuộc về nhiều thế hệ và cần được sử dụng một cách hợp lý nhất, tạo ra hiệu quả kinh tế cao nhất và giảm đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên