Phấn đấu không còn lý do nghèo
Để đạt được những kết quả giảm nghèo bền vững, phải tìm mọi cách triệt tiêu những nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của cái nghèo.
“Vì người nghèo” là tư tưởng nhân văn sâu sắc, được hiện thực hoá bằng nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hành động và việc làm cụ thể của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, cuộc chiến chống đói nghèo là vô cùng gian nan, phức tạp, đòi hỏi Nhà nước và nhân dân đều không được chủ quan, thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được.
Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trong hơn một thập kỷ qua là biểu hiện cụ thể của tư tưởng nhân văn đã được Đảng và Bác Hồ lấy làm mục tiêu từ khi lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Từ đó và liên tục về sau này, Nhà nước ta đã ban hành và dần hoàn thiện một hệ thống pháp luật, chính sách khá đầy đủ, với nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, mỗi năm huy động hàng nghìn tỷ đồng vào mục tiêu xóa nghèo. Hàng triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi, hàng vạn người nghèo được miễn, giảm học phí học nghề. Người nghèo còn cấp nhà tình thương, thẻ bảo hiểm y tế, được trợ giúp pháp lý miễn phí...
Cái nghèo tuyệt đối đến giờ này trên tổng thể có thể nói là không còn đáng kể, nhưng cái nghèo tương đối đang thường trực với sự gia tăng khoảng cách giàu - nghèo. Theo số liệu của Bộ Lao động -Thương binh - Xã hội, tại Hà Nội, chênh lệch giữa người có thu nhập cao nhất so với nhóm thu nhập trung bình là 42 lần. Tại TP HCM, con số này lên đến 109 lần.
Nếu nhìn nhận theo vùng miền thì hộ nghèo tập trung chủ yếu ở nơi có điều kiện tự nhiên khó khăn, bất lợi, kết cấu hạ tầng thấp kém, trình độ sản xuất manh mún, sơ khai. Ngoài ra, người nghèo đang xuất hiện ở những vùng công nghiệp hoá, đô thị hóa. Thu nhập của 53% số hộ nông dân bị thu hồi đất giảm so với trước đó. Môi trường bị hủy hoại trong khi số đông người nghèo sống nhờ vào nông nghiệp.
Nguy cơ nghèo còn thường xuyên đe doạ nhóm lao động nhập cư vào các đô thị. Họ thường phải chấp nhận mức tiền công thấp hơn lao động sở tại, nếu không biết căn cơ tiết kiệm và thiếu ý chí vươn lên thì họ mãi vẫn là những người nghèo.
Phân tầng xã hội từ chênh lệch giàu nghèo bao giờ cũng để lại hậu quả khó khắc phục, tạo nên tâm lý bất ổn cho số đông. Do đó, “Vì người nghèo” là tư tưởng mang tính nhân văn sâu sắc. Để hiện thực hoá tư tưởng này, vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường lành mạnh và cơ hội bình đẳng cho mọi người, từng bước xoá bỏ tất cả những nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của sự nghèo đói.
Có thể thấy rõ điều này trong mỗi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta nhằm khắc phục và hạn chế khuyết tật của kinh tế thị trường, phấn đấu đạt đến sự công bằng trong phân phối sản phẩm và thu nhập, tạo cơ hội cho người nghèo, người yếu thế, người bị thiệt thòi có điều kiện tự lực vươn lên. Những quyết sách phát triển kinh tế đều được lồng ghép với giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển đồng đều về mọi mặt giữa các vùng miền và từng cộng đồng, dân tộc. Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo mới, cả nước hiện có 3,3 triệu hộ nghèo, tức là còn khoảng 15 triệu người nghèo cần trợ giúp. Chưa kể nguy cơ là cứ 10 người vừa thoát nghèo thì 4 người có thể tái nghèo sau một cú sốc về kinh tế hay một trận thiên tai, một đợt dịch bệnh, và nhiều nguyên nhân khác kể cả khách quan và chủ quan như tai nạn lao động, tai nạn giao thông, thất nghiệp, rủi ro về chính sách thay đổi, hệ thống hành chính kém minh bạch, quan liêu, tham nhũng…
Những người thu nhập thấp cũng nằm trong phạm vi dễ bị tổn thương khi lạm phát quá cao, chi phí về giáo dục, y tế, chi phí tìm kiếm công ăn việc làm tăng cao, có thể kéo mức sống của họ xuống thấp hơn nữa.
Hiện thực hoá tư tưởng “Vì người nghèo” không phải và không thể chỉ là nhiệm vụ của riêng Nhà nước. Cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc tiến hành hơn chục năm qua đã cho thấy ý nghĩa rộng lớn và sâu xa hơn, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào công việc nhân văn này. Cuộc vận động đó cũng khơi dậy ý chí trong mỗi người quyết tâm tự lực thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại.
“Không còn lý do nghèo”, do đó, là điều mà ai ai cũng mong muốn không chỉ là nghe thấy, nhìn thấy trong một ngày không xa, mà còn thực sự cảm nhận được nó trong ý nghĩ, hành động và công việc hàng ngày của bản thân mỗi người./.