Phi lý “lệnh” cấm đánh cá biển Đông

Lệnh cấm của Trung Quốc chỉ có hiệu lực đối với ngư dân Trung Quốc, trên vùng biển Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục ra khơi trên vùng biển của mình

Mới đây, trang thông tin của Chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đăng tải “Thông báo về phương án công tác quản lý mùa nghỉ đánh cá ở khu vực biển Đông năm 2011” từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8/2011, phạm vi bao gồm một số vùng biển của Việt Nam. Đây là một thông báo hết sức phi lý, vi phạm công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 và vi phạm Tuyên bố về các ứng xử của các bên tại biển Đông, làm cho tình hình biển Đông phức tạp thêm.

Rõ ràng việc ra “lệnh” cấm đánh bắt cá của Trung Quốc chỉ có giá trị đối với ngư dân Trung Quốc và đương nhiên cũng chỉ có giá trị trên các vùng biển của Trung Quốc. Việc gửi thông báo này tới ngư dân của nhiều nước có ngư trường trên biển Đông, trong đó có ngư dân Việt Nam, là một việc hết sức phi lý.

Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo công ước của Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982. Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông là vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển đảo và lãnh hải này.

Phải khẳng định rằng, Trung Quốc không hề là “ông chủ” trên biển Đông và cũng không có luật pháp quốc tế nào công nhận điều đó. Từ bao đời nay, ngư dân Việt Nam vẫn đánh cá ở những vùng biển quen thuộc của mình thuộc lãnh hải Việt Nam theo đúng luật pháp quốc tế. Với những vùng biển đang có tranh chấp trên biển Đông, thì không chỉ có ngư dân Trung Quốc hay Việt Nam đánh cá ở đó, mà còn có ngư dân của nhiều quốc gia khác trong khu vực. Ở nơi đó, một “lệnh” đơn phương của một quốc gia nào cấm đánh bắt cá cũng là không thích hợp và trái luật pháp quốc tế.

Với phương châm “tạo dựng biển Đông thành một vùng biển hoà bình và hợp tác”, Việt Nam luôn hướng giải quyết những tranh chấp, xung đột trên biển một cách hòa bình, trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau. Ứng xử trên biển Đông đòi hỏi không một quốc gia nào có thể làm trái với luật lệ quốc tế, và cũng không một quốc gia nào đưa ra luận điểm ngang ngược kiểu “biên giới mềm” để từ đó coi vùng đất, vùng biển của các nước khác có thể bị xê dịch bằng thứ lý lẽ lấy được.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương đưa ra “lệnh” cấm vô lý này. Và cũng không phải lần đầu tiên Việt Nam chính thức bác bỏ nó. Lệnh cấm của Trung Quốc chỉ có hiệu lực đối với ngư dân Trung Quốc, trên vùng biển Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục ra khơi trên vùng biển của mình. Vì chủ quyền quốc gia, vì cuộc sống của gia đình mình, ngư dân Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ra khơi đánh cá trên những vùng biển quen thuộc. Bây giờ đang là vụ cá nam, vụ cá lớn nhất trong năm. Vì thế, không có lý do gì ngư dân phải nằm bờ trong khi mùa cá đang vẫy gọi họ.

Những ngư dân Việt Nam làm công việc quen thuộc từ bao đời nay và khiêm nhường xin lộc biển. Hành trang mà họ mang theo khi vươn khơi chính là tình yêu biển quê hương, là mục tiêu lao động nghề cá để nuôi sống gia đình. Họ là sứ giả của hoà bình và hữu nghị giữa những người đánh cá trên biển Đông không phân biệt quốc tịch.

Những người con của biển vẫn vươn khơi để mang về những mẻ cá đầy. Chứa đựng trong đó là niềm kiêu hãnh và sự tự hào. Và họ biết mình không hề đơn độc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên