Phòng chống dịch bệnh phải thực sự là trận chiến toàn dân

VOV.VN -Nếu người dân không có ý thức tự bảo vệ mình và người thân trong phòng, chống dịch bệnh thì khó ngăn chặn được dịch.

Ngay khi dịch sởi bất thường có chiều hướng dịu mát, chính phủ đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, đồng thời xốc lại quyết tâm cho các địa phương và bộ ngành liên quan trong công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè. Thông điệp đưa ra là kiên quyết không để dịch chồng lên dịch. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta cần hoàn thiện hệ thống luật pháp trong công tác này để làm rõ trách nhiệm cá nhân, không phải lúc nào cũng hô hào cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Dễ thấy nhiều khả năng chồng lên dịch sởi là dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản và nhiều dịch bệnh khác nữa trong mùa hè. Có nhìn những bà mẹ, ông bố bơ phờ trong bệnh viện vì con mắc sởi; có đọc những con số cảnh báo do ngành y tế đưa ra trong cuộc họp vừa rồi mới thấy, phòng chống dịch bệnh từ lâu nay thực sự là những trận chiến không ngưng nghỉ của nhân dân ta.

Triển khai tiêm vaccine phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ ở Quảng Trị

Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm nay, bệnh chân tay miệng nhiều nguy cơ lặp lại đợt dịch “đỉnh” năm 2011. Viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết cũng nguy hiểm không kém. Chưa hết, vì mùa hè là mùa bão lũ, nên còn thêm nhiều dịch bệnh trước, trong và sau lũ nếu không kiểm soát được các ổ dịch và nguồn lây. Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế không được chủ quan trong phòng chống dịch bệnh. Các cơ quan chức năng và địa phương chủ động ở mức cao nhất, nghiêm túc rút kinh nghiệm từ những đợt phòng chống dịch bệnh gần đây để làm việc này kịp thời, hiệu quả hơn. Bộ Y tế đôn đốc các địa phương thực hiện tiêm vét vaccine phòng sởi, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn việc tiêm các loại vaccine khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tránh lặp lại tình trạng người dân bỏ tiêm vaccine như đối với bệnh sởi.

Dịch bệnh mùa hè đều là bệnh truyền nhiễm, nếu không kịp thời phát hiện và cách li, virus rất dễ phát tán và lây lan. Nếu người dân không có ý thức tự bảo vệ mình và người thân trong nhà thì khó ngăn chặn dịch bệnh. Đành rằng người dân chưa dính bệnh chưa biết sợ, nhưng không thể chấp nhận các địa phương và cơ quan chức năng lơ là phòng chống dịch bệnh. Càng không được lấy lý do biến động dân cư, địa bàn khó khăn, báo cáo chưa đầy đủ,... để không kiểm soát được số trẻ chưa tiêm vaccine, hay thông tin không đầy đủ về tình trạng và xu hướng dịch bệnh. Cần nhắc lại, trong công tác này, buông lỏng quản lý hay giấu dịch đều là hành vi phạm pháp. Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế quyết liệt hơn, có thể đưa ra phê bình những nơi làm chưa tốt, chỉ rõ trách nhiệm cá nhân trong từng phạm vi, chức trách được giao. Song, làm rõ trách nhiệm không dễ vì vướng nhiều chỗ, trong đó có cả việc phải...“chờ luật”. 

Từ lâu chúng ta đã có “Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân” qui định rõ: Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý, hoàn thiện, nâng cao chất lượng và phát triển hệ thống phòng bệnh, chống dịch... Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh ăn ở, sinh hoạt, vệ sinh công cộng,... đảm bảo công tác phòng dịch, chống dịch tại địa phương. Luật này cũng qui định trách nhiệm của các cấp, các ngành, của từng đơn vị, tổ chức trong việc phòng chống dịch bệnh. Mới hơn là “Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm” qui định rõ ràng và cụ thể thêm về trách nhiệm ấy trước nhân dân.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và khó lường, nhiều qui định trong luật trở nên lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, một dự án “Luật về phòng, chống dịch bệnh” hoàn toàn mới đã được giao cho Bộ Y tế soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015. Nhưng mới đây, Bộ Y tế cho biết, chưa đủ điều kiện triển khai, đang nghiên cứu và xin lùi thời hạn trình dự án luật này. Vậy là thực tiễn cuộc sống vẫn đang “chờ luật”.

Thôi thì, trong khi “chờ luật”, xin nhắc lại lời của đại diện Chính phủ và Bộ Y tế nói trong cuộc họp vừa rồi, đó là truyền thông phải đi trước một bước. Nhưng muốn hoàn thành nhiệm vụ đi trước ấy, các cơ quan truyền thông cần được các địa phương và ngành y tế cung cấp thông tin kịp thời, trung thực, từ đó mới có thể xây dựng thông điệp phòng chống dịch bệnh chính xác, đơn giản, dễ hiểu và hấp dẫn để người dân chú ý, dễ tiếp thu và làm theo. Có như thế, phòng chống dịch bệnh mới thực sự trở thành trận chiến của toàn dân./.

                                                                           

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên