Phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì lòng dân mới yên
VOV.VN -Công tác phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.
Ngày 12/12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mà Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải là nhân vật chủ mưu.
Sau các bị cáo trong 2 vụ đại án tham nhũng vừa được xét xử, hành vi tham nhũng của Dương Chí Dũng cùng nhiều đối tượng khác, không chỉ gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của người dân vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực tế ấy đòi hỏi sự chung tay góp sức, sự vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của toàn dân, toàn Đảng, của mỗi cá nhân đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội, thì tệ nạn tham nhũng, tội phạm tham nhũng là vấn đề luôn được cử tri quan tâm và trăn trở đặt câu hỏi với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đại biểu Quốc hội. Họ không chỉ lo ngại, bất bình khi thấy tài sản của Nhà nước, của nhân dân bị thất thoát, mà đau xót hơn là thấy rõ sự mất mát về con người, về lòng tin, về thái độ coi thường pháp luật, coi thường đạo lý, về dấu hiệu bất an trong xã hội. Có cử tri đã cho rằng, tham nhũng không chỉ đục khoét tiền của Nhà nước, của nhân dân mà không khéo còn "đục” đổ chế độ, nếu không quyết liệt với nó.
Cũng chính bởi vậy, trong những năm qua, phần lớn vụ việc tham nhũng bị phanh phui là do người dân phát hiện, người dân tố cáo. Họ tố cáo hành vi tham nhũng không ngoài mục đích gì khác là mong muốn sự công bằng, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm túc. Bởi thế, dù gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị đe dọa, trù dập, bị ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của bản thân, của người thân và gia đình, nhưng họ vẫn dũng cảm dấn thân. Điều đó thể hiện thái độ rõ ràng, trách nhiệm to lớn của mọi người dân đối với cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.
Nhưng trách nhiệm của người dân thôi thì chưa đủ. Họ chỉ có thể phát hiện, cung cấp thông tin, họ không có quyền giải quyết, xử lý. Vì vậy, điều kiện “cần” để góp phần quan trọng ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng, tội phạm tham nhũng là vai trò của lực lượng chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu như các cơ quan này thực sự công tâm, thực hiện đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm minh, không né tránh, không “giơ cao đánh khẽ” thì hành vi tham nhũng không có đất để nuôi dưỡng, hoành hành.
Việc đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng lớn xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty Vifon và ngày 12/12 là vụ án tham nhũng tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam-Vinalines đã cho thấy sự chuyển biến lớn trong nhận thức, trong hành động của cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật, quyết tuyên chiến với tội phạm tham nhũng. Hành động ấy, có thể coi là một minh chứng thể hiện trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trước nhân dân, trước sự tồn tại và phát triển của đất nước.
Rõ ràng là, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, từ các cấp có thẩm quyền, ngành chức năng đến từng người dân đã không chỉ “nói”, không chỉ “phát động” mà thể hiện bằng hành động, bằng những việc làm cụ thể, quyết liệt. Đó là việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng; là ban hành nhiều thể chế về phòng, chống tham nhũng; là tăng cường trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như trách nhiệm phối hợp trong việc phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng; là mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật phòng, chống tham nhũng sang “khu vực tư”; là việc sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp; hay vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân…
Dù vậy, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận, Đảng và Nhà nước đã cố gắng nhưng tham nhũng vẫn còn nhức nhối. Bởi, "còn quyền lực, còn lợi ích nhóm là còn tham nhũng". Những con người, những cái tên, những hành vi, những hậu họa trong 10 đại án tham nhũng và nhiều vụ tham nhũng khác đã phản ánh thực tế đáng buồn đó.
Việc thành lập và hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương đã phần nào lấy lại được niềm tin của người dân. Nhưng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong khẳng định, Ban Chỉ đạo không phải “cây đũa thần” giải quyết mọi vấn đề về tham nhũng. Vì thế, bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành, rất cần sự tham gia tích cực của mỗi người dân. Và hơn hết là xác định một cách rõ ràng rằng, công tác phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Có như vậy, mới triệt tiêu được những “con sâu” như Dương Chí Dũng, như Nguyễn Đức Kiên; có như vậy lòng dân mới yên, niềm tin của dân mới được củng cố./.