Phụ nữ tham chính- cần thay đổi nhận thức từ 2 phía

Không chỉ cử tri và xã hội cần thay đổi, mà các nữ ứng cử viên cũng phải thay đổi nhận thức

Trong một cuộc trao đổi, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Việt Nam kể, bà tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của những người xung quanh: Phụ nữ đã vất vả việc gia đình rồi, đừng bầu họ vào nữa, khổ thân họ!(?).

Kể câu chuyện này, bà Thuý cho biết Vẫn còn có quan niệm rằng, phụ nữ còn gia đình, còn việc nhà, nếu được bầu vào các cơ quan dân cử thì thêm khó khăn, gánh nặng cho chị em.

Nữ đại biểu QH ngày càng có tiếng nói trên các diễn đàn

Bà Lê Thị Nhâm Tuyết, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phụ nữ trong phát triển, đã từng phát biểu: “Để được thừa nhận như nam giới, người phụ nữ phải nỗ lực gấp đôi”. Trên thực tế, hầu hết phụ nữ Việt Nam tham gia công tác xã hội đều mang “gánh nặng hai vai”: giỏi việc nước, đảm việc nhà. Không những thế, những việc công để được công nhận cũng phải được thể hiện rõ nét hơn so với nam giới.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về giới, những phụ nữ thành công trong công việc bị “soi” nhiều hơn so với nam giới. Không ít người phải chịu  định kiến rằng, họ thành công không phải vì giỏi trong công việc, mà vì họ là phụ nữ(!!!).

Ngày 22/5/2011 tới đây sẽ diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Tại kỳ bầu cử này, phấn đấu đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 từ 30% trở lên. Song kết quả này không dễ đạt được. Bởi theo thống kê, sau hiệp thương lần thứ 3, các tỉnh, thành trong cả nước đã chọn ra 832 trong tổng số 1.085 người ứng cử đại biểu Quốc hội để đưa vào danh sách bầu cử chính thức, trong đó tỷ lệ nữ cũng chỉ đạt trên 30%.

Hơn nữa, theo lời bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ: “Tôi rất lo, vì nhỡ đâu lại có những chị xin rút khỏi danh sách!”. Thách thức lớn nhất đặt ra trong thực hiện bình đẳng giới là những định kiến của xã hội đối với vấn đề bình đẳng giới, quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn là một vấn đề còn tồn tại trong nhận thức của nhân dân. Bên cạnh đó một số quy định khác biệt giữa nam và nữ như tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đã hạn chế sự tham gia của chị em phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà rõ nét nhất là trong tham gia quản lý, lãnh đạo…

Còn bà Kim Thuý thì cho rằng, chính phụ nữ cũng cần hiểu cho đúng về quyền của mình được tham gia vào bầu cử Quốc hội và HĐND. Nữ đại biểu là đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của các nữ cử tri. Các ứng cử viên nữ cũng cần thay đổi nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia các cơ quan dân cử. Có như vậy chúng ta mới dần giảm được khoảng cách về giới trong các cơ quan dân cử và cơ quan quyền lực Nhà nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên