Phú Quốc đối mặt giải quyết các hệ lụy từ sự phát triển
VOV.VN - Đảo ngọc Phú Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhất là vấn đề quản lý môi trường tự nhiên, môi trường xã hội.
Từ đầu năm đến nay, đảo ngọc Phú Quốc đón nhận nhiều tin vui khi hiện có đến 196 dự án đầu tư trên đảo; trong đó có 136 dự án đang triển khai, với tổng diện tích 5.110 ha, tổng vốn đăng ký hơn 144.000 tỷ đồng, tập trung phần lớn vào lĩnh vực du lịch.
Một bãi biển còn hoang sơ ở Bắc đảo. |
Đảo ngọc đang thực sự tỏa sáng trong giai đoạn đất nước mở cửa hội nhập. Song điều đáng quan tâm đó là cần tính đến các giải pháp quản lý các hệ lụy của sự phát triển ở hòn đảo xinh đẹp này. Đó là các vấn đề như an ninh trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường rừng, biển; nâng cao ý thức, chất lượng nguồn nhân lực…Từ đó giúp đảo ngọc phát triển bền vững, xứng danh là “thiên đường” nghỉ dưỡng.
Nếu ngược dòng thời gian khoảng hơn 20 năm về trước với dân số ít, huyện đảo còn hoang sơ, Phú Quốc không chỉ trong lành về môi trường tự nhiên mà đời sống nơi đây luôn bình yên. Nhà cửa, xe gắn máy có khi không cần phải khóa cũng không sợ mất trộm; các vụ trọng án gần như không xảy ra.
Con người huyện đảo với bản chất chân phương, mộc mạc của dân vùng biển, đối đãi với nhau rất tử tế theo kiểu nhường cơm sẻ áo; gặp khi ngư dân đánh cá trở về cầu cảng, người khó khăn có thể xin cá về để ăn qua ngày; trong đời sống hàng ngày ít có sự hơn thua, tranh giành; chưa kể là không gian sống với bốn bề là biển, là rừng núi xanh tốt, dân cư thưa thớt, sống ở giữa thị trấn Dương Đông song có thể nghe rõ tiếng sóng biển vỗ bờ rì rào. Bờ biển trải dài cát trắng, rất hiếm rác thải; chưa có hồ chứa nước ngọt song các giếng khoan sâu 40 m đủ sức cho các gia đình sinh hoạt…
Hiện nay, Phú Quốc tuy phát triển mạnh mẽ với các khách sạn, nhà hàng, resort, các dịch vụ du lịch nở rộ, giao thông Nam-Bắc đảo được thông suốt; sân bay, cảng biển mở ra cho phép huyện đảo kết nối với khắp nơi trong và ngoài nước thì huyện đảo cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhất là vấn đề quản lý môi trường tự nhiên, môi trường xã hội.
Đó là tình trạng người đến đến nhập cư ở địa bàn ngày càng nhiều với đủ các thành phần, lứa tuổi, nhu cầu khác nhau nên vấn đề quản lý nhân khẩu cũng hết sức nan giải. Do Phú Quốc sẽ phát triển trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp trong nay mai nên nhiều ngành nghề mới, kinh doanh có điều kiện như vũ trường, quán bar, tụ điểm giải trí xuất hiện; đó là chưa kể do đất đai của huyện đảo trở mỗi ngày trở nên” tấc đất, tấc vàng” với các cơn sốt như hiện nay, nhu cầu chuyển nhượng, sang bán diễn ra rầm rộ.
Những tác động này khiến các cơ quan quản lý nhà nước như ngành văn hóa, ngành thuế trở nên quá tải. Bên cạnh đó là tình hình mất an ninh trật tự đang có chiều hướng gia tăng với liên tiếp các vụ trọng án xảy ra mới đây; vấn đề tai nạn giao thông, lấn chiếm lòng lề đường, khu di tích; các công trình công cộng cũng gia tăng, trong đó có trường hợp các dự án kinh doanh lấn át trường học.
Sân bay Quốc tế Phú Quốc cho phép huyện đảo kết nối với nhiều nơi trên thế giới. |
Một hệ lụy khác xảy ra là nhiều hộ dân trước đây nghèo khó nay nhờ "trúng” đất có hàng tỷ đồng trong tay song do không biết tính toán nên chi tiêu quá đà, lâm vào cảnh nghèo khó và phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Trình độ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển du lịch còn thiếu và yếu.
Ở Phú Quốc, có thời điểm môi trường tự nhiên bị xâm hại nghiêm trọng như lấn chiếm đất rừng, phá rừng hay bồi lấp sông ngòi để sản xuất, sinh hoạt cũng đã xảy ra.
Tình trạng xả thải nước bẩn, nước ô nhiễm ra sông ngòi có lúc ở mức báo động; trong khi việc xử lý rác thải cũng có dấu hiệu của sự quá tải với hơn 25 tấn/ngày và hiện 80% lượng rác này phải thực hiện bằng hình thức chôn lấp; huyện đảo chưa có nhà máy xử lý rác thải tập trung; tỷ lệ hộ có nước sạch sử dụng mới chỉ đạt ở mức hơn 70%.
Đó là chưa kể việc có một số chủ doanh nghiệp khách sạn, resort xây cất sát bãi biển có tham vọng bao chiếm, cản trở người dân khi xuống tắm ở các bãi biển công cộng. Ngoài ra hiện tượng đầu tư dự án theo kiểu “xí phần” mà không triển khai đã buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải rút giấy phép cũng đã xảy ra.
Từ những điều kể trên cho thấy, Phú Quốc đang có nhiều vấn đề hệ lụy trong quá trình phát triển. Do vậy rất cần một cơ chế chính sách đột phá để bảo đảm cho sự phát triển hài hòa về kinh tế và xã hội trong bối cảnh huyện đảo đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đường về Bắc đảo Phú Quốc hôm nay đã thênh thang. |
Các hệ lụy này cũng đang đặt ra bài toán cần lời giải cho huyện đảo. “Chiếc áo” quản lý cho huyện đảo hiện nay đã trở nên chật chội, bức bối. Do vậy việc xây dựng Phú Quốc trở thành một đặc khu hay khu hành chính-kinh tế đặc biệt đang đặt ra hết sức cấp thiết cho các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Trên cơ sở đó sẽ tạo hành lang pháp lý với đầy đủ các cơ chế, chính sách thông thoáng,cởi mở, tạo động lực cho sự phát triển; đồng thời cũng cho phép hình thành một bộ máy quản lý các cấp chính quyền đồng bộ, hiện đại, ngang tầm, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới; đủ sức giải quyết tốt các hệ lụy nảy sinh; đáp ứng nhu cầu của sự phát triển của đảo ngọc trong giai đoạn tiếp theo.
Từ đó thúc đẩy đảo ngọc thực sự trở thành” thiên đường”du lịch, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước./.