Quan hệ Việt – Nga bước sang giai đoạn phát triển mới về chất

Chuyến thăm đưa đưa ra tuyên bố chung, đưa quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập năm 2001 giữa hai nước lên mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Sáng 31/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã về đến thủ đô Hà Nội, kết thúc chuyến thăm Cộng hòa Liên bang Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimia Putun. Chuyến thăm đã đạt nhiều thành công quan trọng, trong đó tiếp tục khẳng định tình hữu nghị truyền thống đặc biệt và quan hệ 2 nước lên thành đối tác chiến lược toàn diện.

Chuyến thăm Liên bang Nga lần này là chuyến thăm Nga đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, kể từ khi đảm nhận cương vị đứng đầu Nhà nước, đồng thời cũng là vị nguyên thủ đầu tiên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến thăm Liên bang Nga trong nhiệm kỳ này của Tổng thống Vladimia Putin.

Chuyến thăm được đánh giá là hết sức quan trọng, không chỉ đưa quan hệ Việt Nam –Liên bang Nga lên một tầm cao mới, mà còn cho thấy sự tăng cường liên kết của các mối quan hệ trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nơi được đánh giá là động lực tăng trưởng của thế giới trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Điểm đáng chú ý nhất của chuyến thăm chính là cuộc hội đàm giữa hai vị nguyên thủ Việt Nam và Liên bang Nga đã diễn ra tại thành phố Sôchi. Giới  báo chí được chứng kiến hình ảnh hiếm có giữa hai vị nguyên thủ, Tổng thống Putin đã đích thân lái xe golf đưa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ nơi hội đàm đến địa điểm họp báo.

Sự thân mật này chỉ có ở Sôchi, thành phố cạnh biển Đen, nơi mà theo truyền thống các nhà lãnh đạo Nga chỉ tiếp đón những vị nguyên thủ của cường quốc và từ các quốc gia có mối quan hệ đặc biệt thân thiết và tin cậy. Trong  quan hệ hai nước, vào những thời điểm quan trọng, thành phố Sôchi đã từng ghi dấu ấn của Bác Hồ, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn Tổng thống Putin đã dành cho đoàn Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu và giàu tình cảm. Chủ tịch nước khẳng định, Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và hoan nghênh sắc lệnh về triển khai chính sách đối ngoại của Nga đã đặt Việt Nam vào vị trí ưu tiên thứ  2, ngang bằng với Ấn Độ ở châu Á-Thái Bình Dương đã thể hiện tình cảm đặc biệt giữa 2 nước.

Sự tin cậy giữa 2 nguyên thủ nói riêng và hai nước nói chung còn được thể hiện bằng cuộc hội đàm hẹp và rộng, cởi mở và thực chất nằm ngoài dự kiến tới gần 5 giờ đồng hồ. Hai nhà lãnh đạo cùng đánh giá mối quan hệ giữa Việt Nam-Liên bang Nga đang trở nên ngày càng năng động và hiệu quả, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế thương mại, hợp tác đầu tư và an ninh quốc phòng, cũng như đang được mở rộng sang lĩnh vực hợp tác về nhân văn, giáo dục và đào tạo.

Tổng thống Putin khẳng định, trong bối cảnh nước Nga đang hướng sự quan tâm về phía Đông và đang tăng cường vai trò tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nga đánh giá cao vị trí của Việt Nam trong khu vực và cám ơn sự thủy chung, có trước có sau của Việt Nam.

Hợp tác năng lượng là điểm sáng trong quan hệ Việt-Nga và đã đạt nhiều thành quả quan trọng với liên doanh khai thác dầu khí giữa 2 nước nhất là liên doanh khai thác dầu khí của Rusvietptro tại Nhe-nhét-xki vùng cực bắc của Nga; Hợp tác trên lĩnh vực điện hạt nhân là bước đột phá lớn, với việc hai nước ký Hiệp định liên Chính phủ đề xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Với những kết quả đó, Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ tiếp tục hợp tác và thực hiện đúng những gì đã ký kết trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam theo đúng luật pháp  quốc tế .

Hai vị nguyên thủ cũng cho rằng cần xây dựng một trật tự thế giới mới, công bằng và dân chủ hơn, dựa trên các nguyên tắc đa phương, tính tối thượng của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.

Hai bên cho rằng, các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á-Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và tiến tới sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông.

Lĩnh vực kinh tế cũng được hai nguyên thủ đặc biệt quan tâm và cùng bày tỏ mong muốn tăng kim ngạch thương mại từ mức 3 tỷ USD hiện nay lên gấp 3-4 lần trong thời gian sớm nhất. Điều đặc biệt là trong  lúc Nga đang đàm phán rất quyết liệt về mở cửa thị trường gia nhập WTO, nhưng riêng Việt Nam được mời tham gia vào các dự án khai thác dầu khí bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Nga tùy theo khả năng, cũng như tham gia vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng Viễn Đông và Đông Siberia.

Về hợp tác kỹ thuật – quân sự, phía Nga sẽ tiếp tục đào tạo quân nhân cho Việt Nam có đủ trình độ làm chủ công nghệ trang thiết bị quân sự của Nga tại Việt Nam, chú trọng đào tạo quân nhân theo yêu cầu của Việt Nam về ngành nghề.

Phía Nga cũng cam kết thực hiện đúng tiến độ thi công và đưa nhà máy điện hạt nhân vào vận hành an toàn, chất lượng, trở thành biểu tượng hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Nga trong thế kỷ 21. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Vladimir Putin cũng đã chứng kiến Lễ ký kết 6 thỏa thuận hợp tác liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp, hải quan, tư pháp, văn hóa-du lịch và giáo dục-đào tạo.

Sự hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại, khoa học-giáo dục… đã thể hiện mức độ tin cậy cao giữa lãnh đạo hai nước, tạo động lực thúc đẩy quan hệ 2 nước lên tầm cao mới.

Đánh giá về kết quả chuyến thăm quan trọng này Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nói: “Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn cấp cao nước ta đã thành công tốt đẹp. Chuyến thăm đưa đưa ra tuyên bố chung Việt Nam và liên bang Nga đưa quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập năm 2001 giữa hai nước lên mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đó là tầm cao mới trong quan hệ hai nước.. Có thể nói, chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đạt được những kết quả cụ thể trên tất cả các lĩnh vực, chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng tạo bước trong thời gian tới”..

Với những kết quả đạt được qua chuyến thăm này, không chỉ một lần nữa khẳng định tình cảm hữu nghị truyền thống giữa hai nước mà còn đưa quan hệ hai nước phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, đúng như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Putin cùng đánh giá: Quan hệ Việt-Nga đã thực sự bước sang giai đoạn phát triển mới về chất.

Chúng ta cùng tin tưởng, với sự quan tâm quyết tâm của lãnh đạo hai nước, với nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và người dân hai nước, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt –Nga sẽ không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của hai dân tộc, hai đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên