Quản lý ngoại hối: Lúng túng trong thực thi chính sách

Siết chặt phần ngọn, nhưng phần gốc là chuẩn bị kỹ về nguồn ngoại tệ lại chưa sẵn sàng

Sau những biện pháp siết chặt thị trường ngoại tệ chợ đen của NHNN và cơ quan chức năng, mấy ngày nay, trên thị trường ngoại tệ đang xuất hiện một nghịch lý là người dân đã bán- gửi ngoại tệ cho các ngân hàng, nhưng phía ngân hàng lại chưa đáp ứng tốt cho những người có nhu cầu chính đáng. Tình trạng này cho thấy, chính sách siết chặt quản lý ngoại tệ chợ đen là đúng, nhưng dường như chưa có sự chuẩn bị tốt từ phía NHNN, dẫn đến sự bức xúc của nhiều người dân và doanh nghiệp.

Trước tiên, cần khẳng định cấm giao dịch, kinh doanh ngoại tệ ở thị trường tự do là chính sách đúng. Bởi nếu không, những hệ luỵ thao túng thị trường tiền tệ, đô la hoá nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến tiền đồng Việt Nam và chính sách kinh tế vĩ mô, từ đó kéo theo những hệ luỵ không đáng có. Với biện pháp hành chính ấy, lúc này dù thị trường chợ đen chưa hoàn toàn bị xoá sổ, nhưng đã không còn tình trạng công khai, thao túng thị trường chính thức. Và cái được lớn hơn là tâm lý tuân thủ pháp luật của người dân được nâng lên. Bằng chứng là nguồn ngoại tệ gửi- bán vào ngân hàng tăng mạnh nhiều ngày qua.

Thế nhưng, một thực tế gây bức xúc trong dư luận nhiều ngày qua, ấy là các nhu cầu mua- đổi ngoại tệ chính đáng được pháp luật cho phép của người dân lại bị các ngân hàng từ chối. Tại không ít điểm giao dịch, cán bộ ngân hàng chưa hỏi người mua các giấy tờ chứng minh nhu cầu mua ngoại tệ, đã trả lời là không bán, thậm chí còn hướng người dân quay lại thị trường chợ đen.

Điều này cho thấy, chính sách đúng của NHNN đang được người dân tuân thủ tốt, thì ngược lại, không ít ngân hàng, điểm giao dịch ngân hàng lại thiếu tính tuân thủ quy định pháp luật. Còn nếu xét ở góc độ lợi ích, người dân đang hình thành thói quen giao dịch qua ngân hàng, còn ngân hàng lại vì lợi ích của mình, chưa cung ứng tốt ngoại tệ cho người dân. Sự mất cân đối về lợi ích như thế, lý giải vì sao những ngày qua, thị trường chợ đen vẫn ngầm hoạt động.

Nhìn từ khía cạnh ban hành chính sách để đánh giá cũng dễ thấy có sự chuẩn bị chưa thật chu đáo từ phía NHNN. Nhu cầu giao dịch ngoại tệ của người dân là có thực và chính đáng, nên khi đóng cửa thị trường chợ đen, thị trường chính thức phải được mở rộng hơn để đáp ứng các nhu cầu ấy. Phía ngân hàng không thể đơn thuẩn trả lời một câu đơn giản là không có để bán. Câu hỏi đặt ra là liệu NHNN, các NHTM đã chủ động các giải pháp và có đủ nguồn ngoại tệ khi thực hiện chính sách này hay chưa? Rõ ràng là chưa, vì không ít nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp vẫn bị từ chối.

Một lãnh đạo của NHNN giải thích rằng, các ngân hàng dè dặt giao dịch ngoại tệ vì hoạt động này khiến phát sinh các chi phí. Cách lý giải này không thuyết phục bởi các ngân hàng mua ngoại tệ vào với giá thấp, bán ra với giá cao hơn nên đã được hưởng chênh lệch giá. Thêm nữa, người dân sẵn sàng trả các loại phí cần thiết để mua ngoại tệ nếu mức phí đó hợp lý, theo quy định của NHNN.

Và rõ ràng, siết chặt phần ngọn, nhưng phần gốc là chuẩn bị kỹ về nguồn ngoại tệ lại chưa sẵn sàng, đang khiến người dân và doanh nghiệp bức xúc. Sự chênh lệch về lợi ích như thế sẽ khó giúp mục tiêu chính sách được hoàn thành. Biện pháp tháo gỡ mới của NHNN là chỉ đạo các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối chủ động bán ngoại tệ tiền mặt cho nhu cầu hợp pháp như công tác, học tập, chữa bệnh… của cá nhân theo các quy định của pháp luật. Đây là chủ trương đúng.

Nhưng với thông điệp “các ngân hàng sẽ bán ngoại tệ cho người dân và doanh nghiệp tuỳ thuộc vào khả năng của mình”, lại khiến người dân và chủ doanh nghiệp băn khoăn. Bởi lẽ, các ngân hàng thương mại sẵn sàng vì lợi ích của mình mà trả lời khách hàng là “không đủ khả năng”.

Xét cho cùng, bài thuốc tốt nhất để triệt tiêu thị trường chợ đen, chống đô la hoá, chính là đáp ứng được đầy đủ lợi ích và tiện ích cho mọi đối tượng trong các giao dịch ngoại tệ. Nếu sự lúng túng này không được NHNN xử lý sớm, triệt để, thì chính sách sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên