Quảng Trị- khúc tráng ca bất tử

Không ở đâu như mảnh đất Thành cổ Quảng Trị, trong 81 ngày đêm khói lửa, bản anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại sinh động đến thế.  

Đã 40 năm trôi qua, giờ khắc lịch sử quân dân ta cắm lá cờ giải phóng ở trung tâm thị xã Quảng Trị, đánh dấu sự kiện giải phóng tỉnh Quảng Trị…Và, cũng vừa  40 năm, cuộc chiến đấu 81 ngày đêm giữ Thành cổ trở thành sự tích, đi vào lịch sử… Thời gian càng lùi xa, sự kiện giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu giữ Thành cổ của quân và dân ta càng lớn thêm tầm vóc, càng sáng lên giá trị nhân văn cao cả.

Quay trở lại mùa hè 40 năm trước… Trong chiến dịch Trị-Thiên, quân và dân ta tiến vào thị xã Quảng Trị, giải phóng gần như toàn bộ tỉnh Quảng Trị, một địa bàn chiến lược trọng yếu, tạo thế và lực mới trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán hội nghị Paris.

Nhằm xoay chuyển tình thế bất lợi, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã huy động một lực lượng lớn quân lính, máy bay, xe tăng và tàu chiến hòng tái chiếm thị xã Quảng Trị, trong đó mục tiêu hàng đầu là đánh chiếm Thành cổ.

Từ ngày 28/6-16/9/1972, trọn 81 ngày đêm, với tương quan lực lượng và vũ khí quá chênh lệch, các chiến sỹ Quân giải phóng, với lòng quả cảm và sự mưu trí, sáng tạo đã liên tiếp đánh bật các đợt tập kích của địch.

Tại khu thành nhỏ bé chu vi hơn 2.000m2, địch đã sử dụng mỗi ngày trên 150 lượt máy bay phản lực, trên 70 lượt máy bay B52, hơn chục tàu chiến, hàng trăm xe tăng, hàng chục tiểu đoàn pháo cỡ lớn, cùng với 2 sư đoàn dù và thuỷ quân lục chiến, 1 liên đoàn biệt động…

Chỉ trong vòng 81 ngày, Mỹ- Ngụy đã ném xuống đây 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Có ngày, địch bắn vào Thành cổ hơn 5000 quả đạn đại bác. Trung bình mỗi chiến sỹ trụ giữ ở mảnh đất này, vào thời điểm ấy, phải hứng chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo...

Không ở đâu như mảnh đất Thành cổ, vào thời điểm ấy, lại chấp nhận cuộc chiến nhiều đạn bom và khốc liệt đến thế! Không ở đâu, cuộc chiến đấu lại diễn ra trong không gian nhỏ hẹp, trong tình thế căng thẳng đến nghẹt thở, với thời gian dài, với thế tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch giữa ta và địch đến thế! Nhưng, cũng không ở đâu như mảnh đất Thành cổ Quảng Trị, trong 81 ngày đêm ấy, bản anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại hào hùng, sinh động, thấm đẫm chất anh hùng ca và có sức thuyết phục, lan tỏa lâu bền đến thế!

Không ở đâu, lòng quả cảm, tình đồng đội, tinh thần lạc quan cách mạng, sự hy sinh của người lính lại tuyệt vời, cao cả và có giá trị nhân văn đến thế! Và nữa, không có ở đâu, vào bất cứ thời điểm nào của cuộc chiến tranh, lại xuất hiện nhiều hiện tượng người lính khi đối diện với cuộc chiến khốc liệt lại có những dự báo đầy mẫn cảm, minh triết, thể hiện sinh động trí tuệ và bản lĩnh của một thế hệ người lính đến thế!

Ẩn sâu dưới lớp lớp cỏ xanh non nơi Thành cổ còn nhiều những điều kỳ lạ, bí ẩn về người lính Cụ Hồ, mỗi ngày lại hé lộ những câu chuyện mang tính huyền thoại, đã và đang trở thành cổ tích, lay động tâm can, đánh thức tình cảm và lương tri bao thế hệ...

Cho đến bây giờ và có lẽ sau này nữa, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Điều gì khiến hàng ngàn, hàng vạn người lính tuổi đời mười tám đôi mươi bất chấp đạn bom và cái chết hiện hữu, sẵn sàng đêm đêm vượt dòng sông Thạch Hãn xếp vào đội ngũ những người lính bảo vệ Thành cổ? Điều gì khiến người lính giữa những trận mưa bom bão đạn tàn khốc, vẫn bình thản, tự tin, vẫn tươi rói “nụ cười Thành cổ”, vẫn nghĩ về người thân, đồng đội với tình cảm trong sáng, thủy chung; và hơn hết, vẫn hướng về dân tộc, về Bác Hồ, tin vào ngày đất nước hòa bình, đạn bom ráo tạnh?

Chỉ có thể trả lời: Đấy là bản lĩnh người lính Cụ Hồ, bản lĩnh, khí phách của những chàng trai đất Việt khi bước vào những trận chiến cam go vì uy danh và sự tồn vong dân tộc …

Chỉ có thể trả lời: Đấy là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh…

Chỉ có thể trả lời: Mỗi người lính khi đó cảm nhận sự hy sinh của mình không trở thành vô nghĩa.

Và quả thật, chiến thắng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm Thành cổ đã góp phần vào thắng lợi của chúng ta trong hội nghị Paris, góp phần vào đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất non sông…

Thời chiến tranh, mỗi mét đất Quảng Trị là mỗi mét đạn bom, xương máu. Thời hòa bình, mỗi mét đất ấy phải đơm hoa kết trái, cho cỏ ngọt trái thơm.

Trong chiến tranh, chiến trường Quảng Trị hội tụ lớp lớp người lính Cụ Hồ từ trăm miền đất nước. Một thế hệ tuổi trẻ hào hoa và tài năng đã chiến đấu hy sinh vì Quảng Trị, máu xương họ thấm mảnh đất này. Ngày nay, Quảng Trị phải là tâm điểm hội tụ đồng đội, đồng bào, bè bạn, nơi tri ân tình nghĩa, nơi đánh thức lương tri, nơi hội tụ tài năng trí tuệ…

Trong chiến tranh, Quảng Trị xuất hiện nhiều địa danh chiến công lừng lẫy, với Cồn Cỏ, Khe Sanh, Đường 9…, với Tà Cơn, Làng Vây, Cửa Việt, và lẫm liệt, hào hùng khúc tráng ca Thành cổ…Trong hòa bình, Quảng Trị phải có nhiều địa danh nổi tiếng hơn thế, trong làm kinh tế, dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

Như thế, khúc tráng ca Thành cổ Quảng Trị sẽ muôn đời bất tử!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên