Quốc hội và yêu cầu đổi mới
Thứ Năm, 06:05, 20/10/2011
Hôm nay, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội với nhiệm vụ quan trọng là đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2006- 2010 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011- 2015.
Hôm nay, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Sau khi hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước và Quốc hội ở kỳ họp thứ nhất, có thể nói tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thực sự tập trung vào thực hiện các chức năng cơ bản có tính chất nhiệm kỳ. Với nhiệm vụ quan trọng là đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006- 2010 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011- 2015.
Kỳ họp này sẽ diễn ra trong khoảng thời gian hơn 1 tháng. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 5 dự án luật, 01 Nghị quyết và cho ý kiến đối với 13 dự án luật. Số dự án Luật đưa ra không nhiều bởi thông thường, kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ giành nhiều thời gian để xem xét thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của đất nước.
Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010 cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động của kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta đã vượt qua được nhiều khó khăn, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Tuy nhiên nền kinh tế đất nước chưa phát triển bền vững, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu đặt ra; một số chỉ tiêu kinh tế- xã hội không đạt kế hoạch; kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Kết cấu hạ tầng tuy có bước phát triển nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu và đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, giáo dục và đạo tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự là quốc sách hàng đầu…Những hạn chế, yếu kém đó đang cần những quyết sách mang tính đột phá và dứt khoát.
Quyết tâm về tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được TƯ Đảng bàn bạc, đề ra chủ trương để Chính phủ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể trình ra Quốc hội xem xét, quyết định. Một sự thống nhất ý trí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị để thúc đẩy cải cách kinh tế là rất cần thiết trong thời điểm này.
Trong những nhiệm kỳ qua, dù có nhiều đổi mới nhưng công tác lập pháp của Quốc hội vẫn còn nhiều hạn chế cần kịp thời khắc phục. Biểu hiện rõ nét nhất là luật ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống, có những luật sau khi áp dụng một thời gian ngắn đã bộc lộ những bất hợp lý. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật của ta cần được xem xét một cách tổng thể, nâng cao khả năng dự báo và tác động của luật, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách có chất lượng, bắt kịp với yêu cầu phát triển và hội nhập.
Giám sát là một trong 3 chức năng cơ bản của Quốc hội. Ở những nhiệm kỳ gần đây, hoạt động này đã được tổ chức thực hiện theo kế hoạch, chương trình. Hàng loạt vấn đề được lựa chọn giám sát đã có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên hoạt động giám sát của Quốc hội hiện vẫn còn là khâu yếu. Thời gian dành cho giám sát chuyên đề còn ít, do thiếu chế tài nên việc thực hiện các kiến nghị, kết luận đề xuất sau giám sát chưa được các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện tốt. Chức năng này, chắc chắn cần được tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.
Một nét đặc trưng thể hiện tính dân chủ trong hoạt động nghị viện là các phiên chất vấn mở và trực tiếp, được phát thanh-truyền hình đến công chúng cả nước. Ở kỳ họp này, cử tri tiếp tục đòi hỏi tính dân chủ cần được phát huy cao hơn nữa. Đặc biệt là tại các cuộc thảo luận mang tính tranh luận khoa học giữa các đại biểu Quốc hội nhằm tìm ra chân lý khách quan, phản ánh được đầy đủ ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Sau mỗi phiên chất vấn, sẽ là những quyết định đúng đắn được đưa ra, hoặc lại có một thay đổi tích cực diễn ra trong thực tiễn.
Và để phát huy dân chủ, cần thúc đẩy tính công khai, minh bạch, đó là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của Quốc hội. Càng công khai, minh bạch, càng phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu. Có ý kiến đề nghị nên chăng cần có quy định về công khai, minh bạch việc bỏ phiếu thông qua các dự án luật, các Nghị quyết của Quốc hội. Hoặc chính kiến của các đại biểu như thế nào cần được công bố một cách công khai tại phiên họp. Quy định như vậy chẳng những nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh của đại biểu mà còn là căn cứ để cử tri giám sát hoạt động của đại biểu. Đây cũng là tài liệu mang tính chất lịch sử để các thế hệ tiếp theo tham khảo, đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Để thực hiện tốc các chức năng, nhiệm vụ của mình, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng lòng mong đợi và niềm tin của cử tri và nhân dân./.