Quy trình xây dựng luật phải công khai, minh bạch trách nhiệm

VOV.VN - Việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đang trở thành vấn đề nóng mang tính thời sự.

Hôm nay, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 khai mạc tại Hà Nội. Đối với công tác lập pháp, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến và thông qua nhiều sự án luật quan trọng như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật trưng cầu ý dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành văn bản pháp luật và nhiều dự án luật khác…Việc sửa đổi và thông qua Luật ban hành văn bản pháp luật – Luật được coi là đạo luật gốc để ban hành mọi văn bản pháp luật - được kỳ vọng sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng ban hành chính sách kiểu trên trời rơi xuống.

Xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân là mục tiêu chúng ta luôn hướng tới. Một trong những tiêu chí cơ bản của nhà nước pháp quyền là quản lý xã hội bằng pháp luật. Hàng năm, Quốc hội ban hành mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản, pháp luật, đáp ứng kịp thời với công tác quản lý xã hội.

Khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII

Trong hệ thống pháp luật của nhà nước, bên cạnh các văn bản luật, pháp lệnh là rất nhiều các văn bản dưới luật. Đây là các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh được ban hành bởi nhiều chủ thể khác nhau. Nếu nhìn ở góc độ áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì đây là những văn bản làm tăng thêm giá trị vì đây mới là văn bản trực tiếp áp dụng và thi hành. Vậy làm sao để những văn bản này phát huy được giá trị? Đó chính là tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất đối với hệ thống pháp luật.

Thế nhưng, soi chiếu vào thực tế thì nhiều trường hợp chính sách trong luật, pháp lệnh thì đúng nhưng văn bản hướng dẫn lại “dẫn lệch”. Hệ quả không chỉ làm mất đi giá trị mà còn làm xói mòn niềm tin của người dân vào trật tự, kỷ cương của Nhà nước.   

Số liệu của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã chỉ ra rằng:  Năm 2014 có hơn 9.000 văn bản pháp luật có dấu hiệu vi phạm các điều về tính hợp hiến, hợp pháp, vi phạm thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản… chiếm tỷ lệ 22% trong tổng số văn bản pháp luật được ban hành. Chúng ta không ngạc nhiên khi Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường triển khai chương trình đánh giá chỉ số quản trị đất đai đã đưa ra kết luận: Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu thế giới về xây dựng pháp luật  nhưng lại thuộc nhóm nước yếu kém nhất thế giới về thực thi pháp luật.

Chính vì vậy, việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đang trở thành vấn đề nóng mang tính thời sự. Đó là xuất phát từ chính yêu cầu của đời sống xã hội, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Nếu không đáp ứng được điều này thì văn bản pháp luật đó sẽ không nhận được sự đồng thuận của người dân.

Câu chuyện người dân phản ứng với Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội ngay cả khi chưa có hiệu lực thi hành là một minh chứng. Vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra là quy trình xây dựng luật phải công khai ở tất cả các khâu với nhiều hình thức khác nhau để nhân dân tiếp cận dễ dàng và thuận tiện nhất.

Việc lấy ý kiến của các tổ chức xã hội của người dân phải được thực hiện quy củ, thực chất. Cách làm này chắc chắn Nhà nước phải chi phí tốn kém hơn nhưng đổi lại chúng ta sẽ có những văn bản luật có tuổi  thọ lâu dài, có hiệu lực thi hành cao hơn. Không chỉ thế đây còn thể hiện tính dân chủ, mang lại bền vững cho xã hội.

Để có một hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất và minh bạch thì rất cần một quy trình xây dựng luật với trình tự, thủ tục chặt chẽ, minh bạch trách nhiệm. Đây là nền tảng để tạo dựng một Nhà nước pháp quyền bền vững, của dân, do dân và vì dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên