Quyền giám sát của nhân dân

(VOV) -Lấy phiếu tín nhiệm đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, là một bước tiến mới trong thực hành dân chủ.

Lần đầu tiên trong lịch sử gần 70 năm, hôm qua (11/6) Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá “kết quả tương đối sát thực tế, đáp ứng sự mong đợi của đa số cử tri”. Thông qua lần lấy phiếu tín nhiệm này cho thấy rõ hơn về quyền giám sát của nhân dân.

Với đại biểu Quốc hội, đây được coi là trách nhiệm nặng nề, chứa đựng trong lá phiếu cả cái tâm, cái tầm, cả kỳ vọng nhưng cũng là “sức ép” của cử tri và nhân dân cả nước. Qua cuộc lấy phiếu đầu tiên này, mỗi vị đại biểu sẽ có thêm kinh nghiệm tiếp cận, phân tích thông tin cho những lần bỏ phiếu tiếp theo.  

Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh cấp cao của Nhà nước thể hiện vai trò giám sát tối cao của Quốc hội với tư cách “là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”; tiếp tục là một bước đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội để quyền lực của nhân dân được thể hiện trên thực tế và trở thành thông lệ trong các đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là lần “chấm điểm” một cách tương đối chính xác để trả lời câu hỏi: Mỗi chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả đến đâu? Uy tín của mỗi cán bộ đang giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước như thế nào? Đó là cơ sở quan trọng giúp mỗi người được lấy phiếu tín nhiệm “thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ”.

Lâu nay, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá mức độ tín nhiệm những cán bộ giữ vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước (nhất là các Bộ trưởng, trưởng ngành) theo cách riêng của mình. Cách đánh giá đó từ những phiên chất vấn và trả lời chất vấn công khai, được phát thanh truyền hình trực tiếp; qua các buổi tiếp xúc cử tri và thông tin báo chí. Với kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa công bố công khai, có thể được coi là “thước đo” cụ thể nhất, góp phần quan trọng thực hiện nguyên tắc: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.

Cũng như việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh được thực hiện “từ trên xuống”; Quốc hội gương mẫu làm trước, tiếp đó sẽ đến HĐND các cấp. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kết quả kiểm điểm phê bình, tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua là một lần “đánh giá mức độ tín nhiệm” đối với cán bộ, đảng viên trong bộ máy Đảng, nhà nước, đoàn thể. Còn lần lấy phiếu tín nhiệm này, nhằm đánh giá năng lực điều hành, quản lý; đánh giá phẩm chất, đạo đức, lối sống của các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước do dân bầu. Nghị quyết Trung ương 4 và Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm đều xác định rất rõ: “Căn cứ vào kết quả lấy phiếu, những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi”. Tinh thần dứt khoát và thống nhất đó, đều thể hiện sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của đảng viên và tổ chức Đảng trong các cơ quan quyền lực nhà nước.

Lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ hàng năm, không chỉ “đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, bảo đảm tiêu chuẩn của người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ”, mà còn là một bước tiến mới trong thực hành dân chủ.

Hôm nay, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn - một hình thức hoạt động độc lập với lấy phiếu tín nhiệm, nhưng cũng là một cách “chấm điểm” năng lực điều hành của các “Tư lệnh ngành” và cũng là hoạt động giám sát được cử tri mong đợi. Chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm tuy hai cách làm nhưng cùng một mục đích là: biến nguyên tắc “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và HĐND” trở thành hiện thực, bởi Quốc hội và HĐND là những cơ quan “do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

'Lấy phiếu tín nhiệm để nghiêm túc nhìn lại mình'
'Lấy phiếu tín nhiệm để nghiêm túc nhìn lại mình'

(VOV) -“Còn nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận, đánh giá lại, những gì còn yếu kém thì phải chỉnh sửa, cố gắng hơn nữa”.

'Lấy phiếu tín nhiệm để nghiêm túc nhìn lại mình'

'Lấy phiếu tín nhiệm để nghiêm túc nhìn lại mình'

(VOV) -“Còn nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận, đánh giá lại, những gì còn yếu kém thì phải chỉnh sửa, cố gắng hơn nữa”.

Đại biểu Quốc hội nói về kết quả lấy phiếu tín nhiệm
Đại biểu Quốc hội nói về kết quả lấy phiếu tín nhiệm

(VOV) -Các đại biểu đánh giá kết quả bỏ phiếu khách quan và nêu một số nhận xét, rút kinh nghiệm cho các lần bỏ phiếu tiếp theo.

Đại biểu Quốc hội nói về kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Đại biểu Quốc hội nói về kết quả lấy phiếu tín nhiệm

(VOV) -Các đại biểu đánh giá kết quả bỏ phiếu khách quan và nêu một số nhận xét, rút kinh nghiệm cho các lần bỏ phiếu tiếp theo.