Quyền năng người tiêu dùng

Sức mạnh to lớn của người tiêu dùng là quyền tẩy chay sản phẩm, điều đó có nghĩa lợi ích của nhà sản xuất, phân phối bị «đe dọa».

Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào 15/3/1983. Hai năm sau, ngày 9/4/1985, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phê chuẩn bản Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó đến nay, ngày 15/3 hàng năm  là Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới.

Ở nước ta, Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm nay với chủ đề: "Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2011" nhằm tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên diện rộng thông qua nhiều hoạt động, theo hướng đa dạng và hiệu quả.

Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng  ngày càng hoàn thiện hơn cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, sự lên tiếng của dư luận xã hội và trình độ của người tiêu dùng ngày càng được nâng lên, nhưng trên thực tế, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vẫn còn bị hạn chế.

Năm 2010, có tới 62% số người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trong năm qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã tiếp nhận 500 hồ sơ khiếu nại của người tiêu dùng. Số vụ khiếu nại của người tiêu dùng liên tục tăng hàng năm.

Theo khảo sát của Vinastas, năm 2010, có tới 62% số người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, số người khiếu nại lại ít hơn nhiều so với thực tế bị thiệt hại. Nguyên nhân chính là do người tiêu dùng có tâm lý ngại va chạm, sợ phiền hà hoặc mất thời gian và không biết việc khiếu nại có đem lại kết quả hay không... Những yếu tố đó khiến nhiều người tiêu dùng bỏ qua những vi phạm của nhà sản xuất, kinh doanh mặc dù quyền lợi của mình bị xâm hại.

Từ 1/7/2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được thực thi. Tuy nhiên, lâu nay, Nhà nước cũng đã có những điều luật nhằm răn đe những hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, song lại nằm rải rác ở những nghị định khác nhau, đồng thời nhiều quy định chưa thật cụ thể, rõ ràng... Bởi vậy, vô hình trung đã trở thành kẽ hở để không ít doanh nghiệp lợi dụng lách luật, từ chối giải quyết quyền lợi cho người tiêu dùng, khiến việc giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng xảy ra nhưng việc xử lý chưa thật thoả đáng đã tạo ra tâm lý chưa mặn mà đến khiếu nại với Hội. Thêm vào đó, số người dân hiểu rõ, hiểu sâu về Luật Bảo vệ người tiêu dùng còn chưa nhiều, do vậy họ chưa tự tìm cách bảo vệ quyền lợi của bản thân. Vì thế, mới xảy ra tình trạng, người tiêu dùng vẫn mua phải hàng kém chất lượng, thiếu về số lượng… mà đành  cho qua.

Trên thế giới, người dân rất biết cách tự bảo vệ quyền lợi của mình, họ nắm rõ những quyền lợi mình được hưởng, luôn nhận được những sản phẩm xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra. Còn ở  ta, phần lớn người dân chưa biết rõ quyền của mình cũng như chưa biết cách bảo vệ quyền lợi của mình.

Chính bởi vậy, công tác tuyên truyền Luật đến dân cần được đẩy mạnh hơn. Đồng thời cũng cần phải kèm theo đó những Nghị định riêng liên quan đến từng trường hợp vi phạm để xử lý một cách cụ thể và triệt để.

Ví dụ, trường hợp tổ chức kinh doanh làm hàng giả, hàng nhái xử thế nào; trường hợp hàng kém chất lượng, bán hàng cân thiếu, cân “điêu”, hàng hết “date”  xử lý thế nào... Có như vậy, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng mới được bảo vệ đầy đủ.

Thêm vào đó, bản thân người tiêu dùng cũng cần phải tự biết đấu tranh cho quyền lợi của mình đã được các Chính phủ và Liên Hiệp Quốc ghi nhận gồm: Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản; Quyền được an toàn; Quyền được thông tin; Quyền được lựa chọn; Quyền được lắng nghe; Quyền được bồi thường; Quyền được giáo dục về tiêu dùng và Quyền được có một môi trường lành mạnh và bền vững.

Chỉ cần người tiêu dùng đấu tranh mạnh thì số vụ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng sẽ tự động giảm đi, bởi các nhà sản xuất, nhà phân phối gắn liền lợi ích của họ với người tiêu dùng. Sức mạnh to lớn của người tiêu dùng là quyền tẩy chay sản phẩm. Quyền này chỉ được phát huy khi người tiêu dùng ý thức được sức mạnh của mình. Như vụ Vedan, khi người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm của Vedan thì Công ty này mới phải bồi thường thiệt hại do họ gây ra về môi trường nhiều tỷ đồng.

Khi nước ta hội nhập càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, việc bảo vệ người tiêu dùng cần được đẩy mạnh để phù hợp tình hình mới. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011 vừa tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuận lợi hơn vừa thực sự để các luật khác được thực thi tốt hơn, thể hiện sự quan tâm hơn đến người tiêu dùng./.                          

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên