Rác công nghệ- hiểm họa mới và những bài học cũ
Cần phải có chiến lược kiểm soát chất lượng thiết bị công nghệ nhập khẩu và xử lý trách nhiệm với những doanh nghiệp vô tư nhập “rác”
- Gần một nửa tỉnh, thành không chi đủ ngân sách cho hoạt động môi trường
- Kinh doanh bền vững và trách nhiệm xã hội
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Môi trường, hàng năm có tới hàng triệu tấn hàng nhập khẩu vào Việt Nam, qua các cảng biển, cửa khẩu biên giới phía Bắc và Tây Nam, trong số đó, khá nhiều các mặt hàng là máy móc thiết bị lạc hậu cũ hỏng hoặc có chứa chất nguy hại vượt nhiều lần tiêu chuẩn Việt Nam cho phép.
Tháng 9 vừa qua, một thông tin gây xôn xao nữa là một nước đang phát triển trong khu vực công bố loại bỏ thiết bị công nghệ lạc hậu từ 2.255 doanh nghiệp thuộc 18 ngành công nghiệp trong nước. Những thông tin này được công bố công khai trên các website chính thống nước đó càng làm dấy lên mối lo về nguy cơ lượng máy móc công nghệ này sẽ được “đẩy” sang các nước lân cận trong đó có Việt Nam.
Lo ngại nhập khẩu thiết bị công nghiệp lạc hậu (Ảnh minh hoạ) |
Trong cuộc đối thoại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trên sóng Đài TNVN, một nữ giám đốc doanh nghiệp đã trực tiếp gọi điện tới phòng thu chất vấn Bộ trưởng: để cạnh tranh và tồn tại được trên thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam hiện có nhu cầu rất lớn trong việc nhập khẩu thiết bị công nghệ, nhưng lại rất lo lắng vì nếu không có thông tin đầy đủ rất có khả năng nhập phải… công nghệ rác.
Chia sẻ với những khó khăn này của doanh nghiệp, vị Bộ trưởng đã giới thiệu cho vị thính giả này một địa chỉ đáng tin cậy là Vụ Thẩm định công nghệ trực thuộc Bộ, cùng lời hứa sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn trong lĩnh vực này.
Lo ngại của nữ thính giả- doanh nhân không phải không có cơ sở. Ngay trong tháng 9 vừa qua, Trung Quốc, một trong những “địa chỉ công nghệ” mà các doanh nghiệp Việt Nam thường tìm mua đã công bố loại bỏ thiết bị công nghệ tại hơn 2000 doanh nghiệp trực thuộc 18 ngành công nghiệp của nước này như thép, hợp kim, luyện kim đồng, kẽm, sản xuất xi măng…
Thử hình dung nếu không có được thông tin này và lượng công nghệ loại thải đó được “đẩy” vào Việt Nam thì hậu quả sẽ lớn đến nhường nào!? Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, hiện tại có tới 75% doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thiết bị công nghệ từ Trung Quốc, trong đó bên cạnh những công nghệ mới không loại trừ những dây chuyền sản xuất cũ kỹ, lạc hậu đã bị thải loại từ các nhà máy cũ.
Giá rẻ là lý do đầu tiên mà các doanh nghiệp đưa ra để biện bạch cho quyết định đầu tư này: cùng một loại thiết bị như nhau nhưng dây chuyền của Trung Quốc có giá chỉ bằng 1/3 so với của Nhật Bản hay châu Âu. Tâm lý ham rẻ này đang khiến một bộ phận doanh nghiệp bị cuốn vào vòng xoay hiệu quả thấp nếu không may mua phải thiết bị thải loại, chỉ một thời gian ngắn đã hỏng hóc, không thể sửa chữa. Lúc này, vô hình trung doanh nghiệp đã ôm trọn “quả đắng” rác công nghệ và nguy hại hơn, lượng rác này về lâu dài còn là mối họa khôn lường với môi trường.
Không phải đến bây giờ bài học về nhập khẩu rác công nghệ mới được nhắc tới. Thập niên 90 của thế kỷ trước, chính ngành xi măng nước ta đã phải ôm trọn “trái đắng đầu tư” từ các nhà máy xi măng lò đứng. Chỉ trong vòng 8 năm, 50 dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng công nghệ lạc hậu đã được nhập vào rất nhiều tỉnh ở Việt Nam. Chưa đầy 10 năm sau, tới năm 2004, những dây chuyền sản xuất này đã phải đóng cửa vì kỹ thuật lạc hậu, tiêu hao năng lượng khủng khiếp.
Nhiều nhà máy đường Việt Nam cũng phải chịu chung bài học về đầu tư công nghệ khi nhiều thiết bị mua về còn không có tài liệu thẩm định, đánh giá chất lượng thiết bị nên không thể biết là máy móc thiết bị hay công nghiệp phế thải (!). Đó là trách nhiệm người quản lý nhưng bi kịch hơn là không ít doanh nghiệp biết là “rác” mà vẫn nhập chỉ đơn giản vì lợi ích cá nhân!
Báo cáo của Cục Cảnh sát Môi trường còn cho thấy, trong câu chuyện nhập khẩu công nghệ “rác”, vấn đề trách nhiệm nhà nhập khẩu cần phải được xem lại. Qua một số vụ điển hình mà lực lượng Cảnh sát Môi trường đã điều tra, xử lý cho thấy, thủ đoạn mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu hàng hoá là "khai báo hàng hóa một đằng, nhập hàng một nẻo", hoặc khai phế liệu nhập khẩu nằm trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất, nhưng trên thực tế toàn là rác thải có chứa tạp chất, chất thải nguy hại. Chẳng hạn có vụ hàng hóa ghi trên tờ khai là nhập quặng chì, nhưng thực chất là nhập ắc qui chì phế thải, sợi hóa học... thu gom từ các bãi rác, gây ô nhiễm trầm trọng.
Một kẽ hở trong việc hình thành “rác” công nghệ hiện nay còn nằm ở chính sách nhập khẩu. Khi doanh nghiệp nhập khẩu dây chuyền cũ thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác, thì thuế suất chỉ bằng 0%, trong khi đó, doanh nghiệp nếu đặt hàng chi tiết ở nước ngoài phải đóng thuế từ 10-15%. Vậy là để “tiết kiệm” 10-15%, không ít doanh nghiệp nhắm mắt đưa công nghệ rác về mà không tính tới hiệu quả kinh tế- môi trường về lâu dài.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia môi trường, khi hội nhập kinh tế ngày càng được đẩy mạnh thì rác công nghệ cũng tăng theo tỷ lệ tương ứng. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 50 triệu tấn rác loại này và hầu hết đều đổ về những vùng trũng là các nước nghèo. Mà khi đã nhập nhầm phải rác thì không thể không xử lý nó. Khi dùng phương pháp phổ biến là thiêu hủy, các chất độc như bari, thủy ngân trong rác công nghệ sẽ làm ô nhiễm nguồn đất và nước, ảnh hưởng tới không chỉ một thế hệ.
Hiểm họa tuy mới nhưng bài học thì đã cũ nếu không có chiến lược kiểm soát chất lượng thiết bị công nghệ nhập khẩu và xử lý trách nhiệm với những doanh nghiệp vô tư nhập “rác” đầu độc môi trường!!!/.