Sáng tỏ đúng – sai từ vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng

Quản lý đất đai lỏng lẻo, quan liêu và yếu kém, cấp trên tắc trách - cấp dưới sai lầm - dân làm liều, báo cáo không nghiêm túc, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm… là những điều trông thấy từ Tiên Lãng

Sự vào cuộc quyết liệt và kết luận rõ ràng, trên cơ sở pháp luật nghiêm minh của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất đã làm sáng tỏ đúng - sai rõ ràng trong vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng Hải Phòng.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc và sẽ sớm kết thúc điều tra, đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật bất cứ ai vi phạm kỷ cương phép nước trong vụ việc này. Đây không chỉ là bài học nhãn tiền của chính quyền thành phố Hải Phòng mà ngay cả đối với các địa phương khác trong công tác quản lý, sử dụng và thu hồi đất.

Quản lý đất đai lỏng lẻo, quan liêu và yếu kém…

Bài học đầu tiên cũng là nguyên nhân gốc rễ xảy ra vụ việc phức tạp ở Tiên Lãng xuất phát từ sự tích tụ trong thời gian dài việc quản lý đất đai lỏng lẻo, quan liêu của cấp chính quyền cơ sở từ xã đến huyện. Nếu như chính quyền cơ sở quyết liệt ngăn chặn hành vi lấn chiếm đất qua hành vi phá rừng phòng hộ của ông Đoàn Văn Vươn, nếu như chính quyền cơ sở với đầy đủ công cụ pháp lý và lực lượng thực thi pháp luật kiên quyết xử lý dứt điểm ông Vươn xây dựng nhà kiên cố trái phép và cho thuê đất bất hợp pháp trên diện tích đất được giao… thì chắc chắn mọi chuyện sẽ không rắc rối đến như vậy.

Nguyên nhân chủ quan thì đã rõ nhưng cũng cần nhìn nhận nguyên nhân khách quan, khiến công tác quản lý đất đai nói chung hiện nay hiệu quả thấp, khiếu kiện về đất đai chiếm tới 70% các vụ khiếu kiện và ngày càng phức tạp. Đó là luật Đất đai từ năm 1987 đến nay đã 3 lần ban hành mới và 2 lần sửa đổi, kèm theo trên dưới 400 văn bản hướng dẫn thi hành. Mặc dù vậy vẫn còn nhiều quy định chưa đủ rõ, trùng dẫm, mâu thuẫn cộng thêm trình độ năng lực cán bộ quản lý trong lĩnh vực này ở cơ sở còn nhiều hạn chế...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển nhận định: năng lực, trình độ, phẩm chất yếu kém của cán bộ trong quản lý đất đai và những bất cập trong các quy định của pháp luật đất đai là hai bài học đầu tiên rút ra sau vụ việc ở Tiên Lãng Hải Phòng.

Cấp trên không sâu sát, cấp dưới sai lầm

Trong quá trình thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn, các cấp chính quyền và đoàn thể huyện Tiên Lãng đã triển khai công tác dân vận nhưng ông Vươn không chấp hành và vẫn khiếu kiện, thậm chí là khởi kiện ra Tòa đối với quyết định thu hồi đất của chính quyền huyện Tiên Lãng.

Kết luận cuối cùng đã rõ: các Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 23/4/2008, Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 của UBND huyện Tiên Lãng thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn với lý do hết thời hạn sử dụng đều không đúng với quy định của Luật Đất đai 2003 và Nghị Định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003.

Đáng nói là lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng lại chấp thuận chủ trương cưỡng chế thu hồi đất của chính quyền cấp dưới. Quyết định thu hồi đất không đúng luật, thì quyết định cưỡng chế thu hồi đất đương nhiên cũng trái với pháp luật.

Nghiêm trọng là chính quyền huyện Tiên Lãng trong quá trình tổ chức cưỡng chế để xảy ra nhiều việc không đúng với các quy định của luật pháp, thậm chí lãnh đạo chính quyền địa phương còn chỉ đạo phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn, đây là dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải khởi tố, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh.

TS. Luật sư Lê Xuân Thảo, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn luật sư Việt Nam cho rằng: “Vụ việc có thể xảy ra ở Hải Phòng, cũng có thể xảy ra ở nơi khác. Từ bài học này để rút kinh nghiệm cho những nơi khác không coi thường tài sản và công sức của dân. Đây là bài học xương máu không chỉ cho Tiên Lãng, mà tất cả những nơi nào mà cán bộ không chấp hành pháp luật để xảy ra việc làm thiệt hại cho dân”.

Hành vi ông Vươn cùng một số đối tượng sử dụng vũ khí nóng chống người thi hành công vụ, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” và chắc chắn sẽ sớm đưa ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước các quyết định hành chính không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng, Thủ tướng Chính phủ đồng tình với nhiều ý kiến đề xuất của cả cơ quan hành pháp, tư pháp, các tổ chức đoàn thể… kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo để vụ việc được thấu tình đạt lý.

Khu đầm của ông Vươn

Báo cáo không nghiêm túc, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Không ngẫu nhiên một vụ việc xảy ra ở cấp xã và thuộc thẩm quyền xử lý của thành phố Hải Phòng, mà trở thành một vấn đề cả nước quan tâm và cuối cùng, mọi chuyện phải lên cấp Thủ tướng Chính phủ mới ngã ngũ một cách rõ ràng.

Một trong những căn nguyên là do Cấp ủy, chính quyền thành phố Hải Phòng khi vụ việc xảy ra không thấy được tính nghiêm trọng của vấn đề nên vào cuộc chưa đồng bộ, chưa quyết liệt làm rõ đúng sai và trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Cung cấp thông tin thiếu nhất quán, biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm gây bức xúc trong dư luận xã hội, thậm chí báo cáo Thủ tướng Chính phủ vụ việc chưa đầy đủ và nghiêm túc.

Cách xử lý công việc như vậy của thành phố Hải Phòng cũng là nguyên nhân lý giải chỉ trong hơn 1 tháng qua đã có tới gần 800 tin, bài đăng tải các thông tin nhiều chiều về diễn biến vụ việc ở Tiên Lãng, tích cực có, giật gân theo kiểu “câu khách” cũng có, thậm chí kích động cũng có khiến dư luận không biết đúng - sai, phải - trái thế nào mà chỉ ngày càng thêm bức xúc…

Không ai có thể đứng trên pháp luật

Với thái độ dứt khoát và trên cơ sở nghiêm minh, công bằng của pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thành phố Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, kỷ luật và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tập thể và bất cứ cá nhân nào sai phạm hoặc để xảy ra sai phạm liên quan đến vụ Tiên Lãng Hải Phòng.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng: “Thủ tướng chỉ đạo với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, trung thực, nhìn đúng vào sự thật, nói đúng sự thật để từ đó rút ra kết luận cần thiết để xử lý theo kết luận đó và ở những phạm vi và cấp độ khác nhau. Vấn đề của Đảng thì Đảng xử lý, vấn đề của chính quyền thì chính quyền xử lý những vấn đề của tòa án thì tòa án xử lý. Tôi cho đây là những việc làm rất cần thiết để chúng ta có thể hoàn thiện dần thêm cơ chế lãnh đạo của chúng ta trong phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.”

Việc xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng cũng là một minh chứng cho thấy tính cấp thiết với tư tưởng chỉ đạo đúng đắn của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng.

Giáo sư Lưu Văn Đạt- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật, Mặt trận tổ quốc Việt Nam bày tỏ: “Nghị quyết của Trung ương 4 cũng đã nói rõ trong Đảng bây giờ còn một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất về đạo đức, và trong vụ việc ở Tiên Lãng cũng có những cán bộ đảng viên như vậy. Chúng ta phải tìm mọi cách để loại trừ những cán bộ đảng viên đó để cho chính quyền thực sự trong sạch vững mạnh…”.

Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai

Bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai thì đã rõ, nhưng trong bối cảnh luật Đất đai chưa thể sửa đổi và bổ sung hoàn thiện ngay trong một sớm một chiều, thì đòi hỏi tất yếu phải sớm có biện pháp thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những vụ việc tương tự đáng tiếc xảy ra như ở Tiên Lãng.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước ngoài việc chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật thì phải gắn với đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến đất đai.

Bộ Tài nguyên và môi trường cũng sẽ chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan sớm tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất đai. Trước mắt trong phiên họp Chính phủ tới đây, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan đề xuất biện pháp nhất quán đối với xử lý các quyết định giao đất sắp hết thời hạn.

Căn cơ hơn là Chính phủ sẽ khẩn trương tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai để kiến nghị sửa đổi Luật đất đai phù hợp với yêu cầu phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên