Sập cầu treo: Trách nhiệm với tính mạng của dân
VOV.VN-Dư luận mong mỏi là phải tìm chính xác nguyên nhân vì sao cầu treo ở Lai Châu bị sập để không còn xảy ra những vụ tai nạn tương tự.
Sau khi xảy ra vụ sập cầu treo ở huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu, ngành Giao thông Vận tải và chính quyền các cấp ở Lai Châu đã có những phản ứng kịp thời, nhanh nhạy trong việc xử lý hậu quả của vụ tai nạn, bước đầu giúp người dân ổn định cuộc sống. Cầu đã sập, người đã chết, vụ việc nghiêm trọng này cần một lời giải thích khách quan, khoa học để từ đó, có giải pháp khắc phục hữu hiệu. Có như vậy, chúng ta mới mong tròn trách nhiệm trước sinh mạng của dân.
Cầu treo Chu Va ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu bị lật nghiêng, mấy chục con người bị hất xuống lòng suối đầy đá tảng giữa mùa khô. Đám tang của 1 người đã trở thành đám tang của 9 người và hơn 30 người khác bị thương nặng, khiến ai nghe cũng phải xót xa, bàng hoàng.
Các lực lượng tham gia làm cầu tạm |
Ngay tức thì, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã lên tận nơi xảy ra tai nạn để thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những gia đình có người chết, đến tận bệnh viện thăm người bị thương. Ông Đinh La Thăng cũng báo cáo nhanh với Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xin trực thăng đưa các bác sĩ giỏi từ Hà Nội lên Lai Châu để cứu chữa cho nạn nhân. Không dừng lại ở một cử chỉ mang tính nhân văn mà cách xử lý nhanh nhạy, quyết đoán ấy đã góp phần giành lại sự sống cho nhiều nạn nhân. Người dân cảm thấy ấm lòng trước những nghĩa cử đầy trách nhiệm của người đứng đầu ngành giao thông.
Nhưng điều mà dư luận mong mỏi là phải tìm chính xác nguyên nhân vì sao cầu sập để không còn xảy ra những vụ tai nạn tương tự. Bởi cả nước có hàng nghìn cây cầu treo lớn nhỏ được xây dựng bằng nhiều nguồn vốn, với nhiều tiêu chuẩn xây dựng khác nhau, mà không ai dám chắc là các công trình đó được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và độ an toàn.
Một vị Bộ trưởng không nhất thiết phải đọc thiết kế chi tiết tất cả các cây cầu của đất nước, nhất là những cây cầu dân sinh mà giá trị xây dựng không lớn lắm như cầu treo ở nông thôn, miền núi. Nhưng Bộ trưởng hoàn toàn có quyền đòi hỏi sự sâu sát của đội ngũ cán bộ dưới quyền trong việc đảm bảo chất lượng và độ an toàn của các công trình ấy. Bởi, có khi một chi tiết nhỏ thi công không đảm bảo chất lượng, trong phút chốc đã đánh mất toàn bộ ý nghĩa của công trình lớn.
Dư luận hoan nghênh việc xử lý quyết liệt của vị tư lệnh ngành giao thông khi ông quyết định thành lập tổ điều tra độc lập về nguyên nhân của vụ sập cầu treo ở Lai Châu. Đó là trách nhiệm của một Bộ trưởng trước Chính phủ. Nhưng trên hết và cao nhất là trách nhiệm của một công bộc đối với sự an toàn tính mạng của dân./.