Sau tai nạn tàu hỏa, lại ngẫm về đạo đức tài xế và vòng xoay vô-lăng
VOV.VN -Tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tục, hậu quả khôn lường, ngẫm mà xót mối quan hệ giữa chân giá trị đạo đức và những vòng xoay vô-lăng.
Vậy là hậu quả của vụ tại nạn đường sắt tại Quảng Trị đã tạm khép lại sau khi công tác cứu hộ hoàn thành, thông tuyết đường sắt Bắc – Nam. Hôm nay, Tổng công ty Đường sắt cũng đã sơ bộ ước tính thiệt hại từ vụ tai nạn này lên tới 23 tỷ đồng vì phải sửa chữa đầu máy tàu và và toa xe hư hỏng cộng chi phí sửa chữa hạ tầng, chuyển tải hành khách do vụ va chạm giữa tàu SE 5 với xe ben chở đá. Tất nhiên, còn mạng sống của lái tàu Lê Minh Phú bị cướp đi là một giá trị lớn lao không thể đong đếm.
Hình ảnh khắc phục hậu quả vụ tai nạn tàu hóa lúc 22 giờ đêm 10/3 tại giao lộ đường sắt Bắc - Nam với đường ngang dân sinh qua địa phận xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Lê Hiếu/VOV - Miền Trung)
Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được xác định là do xe tải 75C 03199 kéo rơ-moc chở đá băng ngang qua đường sắt thiếu quan sát. Vâng, thiếu quan sát, bất cẩn, hay bất cứ lý do nào thuộc về chủ quan của con người gây ra đều không thể chấp nhận được. Nhớ lại lâu nay, thỉnh thoảng trên báo giới dùng từ “xe điên” để mô tả một trạng thái gây tai nạn nghiêm trọng. Cụm từ này thì không mới, nhưng hậu quả tai nạn gây ra thì chưa bao giờ là cũ. Mỗi vụ tai nạn là một loạt hậu quả, với những hệ lụy chằng chịt, lan truyền... trong gia đình nạn nhân, người liên quan và cả xã hội.
Nói nhiều, cảnh báo nhiều, nhưng người ta vẫn liên tục phải giật mình khi hay tin có “xe điên” hay “tai nạn nghiêm trọng”. Vì liền sau đó, lại có thương vong, chết chóc. Có một thứ tất nhiên, ai cũng hiểu, chiếc xe không thể tự nó “điên”, người lái xe gây tai nạn cũng không hề bị… điên khi gây tai nạn. Vấn đề ở chỗ, quy định luật pháp về an toàn giao thông thì nhiều, hoạt động giao thông và đảm bảo an toàn giao thông cũng là một chuỗi có tính hệ thống, gồm: Hạ tầng giao thông; giáo dục, đào tạo, quản lý, cấp phép lái xe và giám sát quá trình sử dụng giấy phép lái xe… Vậy mà người ta vẫn liên tục gây tai nạn. Phải chăng mâu thuẫn đang nằm trong một chuỗi hệ thống vừa nêu. Bởi mỗi yếu tố trong chuỗi hệ thống trên là một thành phần không thể tách rời hệ thống và phải được kiểm soát thường xuyên, nghiêm ngặt mới có thể góp phần ngăn hành vi cố tình vi phạm luật giao thông.
Cụ thể, giáo dục là ngưỡng đầu tiên phải trải qua đối với mỗi lái xe tương lai. Giáo dục không thể chỉ hiểu là yêu cầu các lái xe học thuộc những gạch đầu dòng về đạo đức người lái xe để thi. Giáo dục phải là sự giác ngộ và nhận thức đúng về giá trị sống của bản thân, về giá trị của đồng loại trong xã hội. Bất cứ ai muốn thành lái xe, trước hết phải là một con người thực sự có nhân cách. Đó là con người biết yêu thương, quý trọng và bảo vệ đồng loại như bảo vệ chính mình.
Về đào tạo, phải là trau dồi thường xuyên kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử có đạo đức, có luật pháp trong quá trình lái xe chứ không thể chỉ là kỹ năng ôm vô-lăng và kiểm soát tốc độ đơn thuần. Về quản lý, cấp phép lái xe phải được thực hiện trong thực tiễn với một quá trình nghiêm ngặt chứ không chỉ là trong các báo cáo.
Thực tiễn mấy năm gần đây, công tác quản lý và cấp phép lái xe đã nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn. Song, vẫn chưa thực sự lấy được lòng tin và sự đồng thuận của dư luận. Vì những ai từng đi học lái xe hoặc được nghe học viên kể chuyện học lái xe đều biết rằng, đây đó, vẫn còn có hiện tượng vì tiêu cực mà trung tâm đào tạo, giáo viên tham gia sát hạch "nương nhẹ" cho học viên.
Đặc biệt, việc giám sát quá trình sử dụng giấy phép lái xe phải là khâu chốt tối quan trọng để tham gia kiểm soát hành vi của lái xe và thẩm định giá trị thực của mỗi giấy phép lái xe đang lưu hành trên đường. Thực tế, công đoạn này vẫn còn nhiều hạn chế, gây bức xúc trong dư luận. Bởi hằng ngày, trên các tuyến đường, người ta không khó để bắt gặp hình ảnh lực lượng chức năng (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, ....) làm việc rất... "gắt". Song, ai dám khẳng định, sau những lần phát tín hiệu "dừng xe" để kiểm tra ấy, tất cả các lỗi vi phạm đều được xử lý nghiêm minh?
Và như thế, bất cứ ai tham gia vào bất kỳ công đoạn nào trong chuỗi hệ thống nêu trên mà cố tình vi phạm, làm trái yêu cầu nghiêm ngặt và chính nghĩa của nó thì đều vi phạm đạo đức của một con người chân chính. Tất nhiên, con người chân chính phải coi trọng đạo đức và thực hiện nó song hành cùng những hành vi của mình trong cuộc sống.
Cho nên, nếu mỗi lái xe được "ra lò" qua những công đoạn thiếu nhân phẩm, kém đạo đức thì cũng khó có thể hành xử có đạo đức. Khi đó, dẫu anh ta "tài" kiểm soát tốc độ, "điêu luyện" trong những pha xoay vô-lăng thế nào chăng nữa thì "mầm hoạ" cũng luôn tiềm ẩn. Bởi khi đó đạo đức đã bị tách rời nhân cách và những vòng xoay vô-lăng chỉ còn là kết quả của một chuỗi hệ thống phi đạo đức mà ra.
Giờ không còn là quá sớm, cũng chưa quá muộn để mỗi công dân chúng ta phải khẳng định với nhau rằng, “đạo đức” không nên và không thể chỉ được coi nó như một khái niệm vô hình. Đạo đức phải được hiện thực hóa bằng hành động tích cực trong mọi hoạt động sống, trong đó có hành vi tham gia giao thông. Tai nạn sẽ không thể giảm, giao thông sẽ không thể bớt dần rối khi mà đạo đức vẫn cứ là một khái niệm đâu đó mà không “ôm” vào vòng xoay vô – lăng trên mỗi cung đường. Tất nhiên, đất nước sẽ không thể phát triển được nếu tai nạn cứ xảy ra, để rồi, khi đánh giá nguyên nhân, người ta lại thấy có sự chủ quan, bất cẩn, hoặc tệ hơn là… bất chấp./.