Sẽ không còn sự “êm đềm” tương đối
Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước có hiệu lực thi hành đã hơn một tháng nay, nhưng chưa thấy có vụ việc thật sự nổi cộm nào phải xử lí bằng Luật này. Đây là tín hiệu “êm đềm” đáng mừng, song cũng có thể không hẳn là như vậy.
Tín hiệu “êm đềm” là đáng mừng, bởi vì ít nhất đã cho thấy tình trạng các cơ quan công quyền, người thi hành công vụ có ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Ngay cả những ngày đầu năm mới 2010 vừa rồi và bây giờ là thời điểm chuẩn bị Tết Nguyên đán, nhưng cũng chưa thấy biểu hiện điển hình nào chứng tỏ sự xao nhãng dẫn đến sai hỏng, thiệt hại từ các cơ quan công quyền và từng cán bộ, công chức.
Thực sự đáng mừng hơn nếu như sự “êm đềm” đó phản ánh tình trạng hoạt động hành chính thông suốt. Ở đó, người dân, doanh nghiệp bớt đi gánh nặng thủ tục, rút ngắn được thời gian chờ đợi, không còn bị đòi hỏi hay gợi ý chung chi tiền bạc.
Hơn một tháng tuy chưa dài, nhưng không phải là ngắn nếu như biết rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước là rất rộng. Mặt khác, mỗi ngày ở các bộ ngành, địa phương, cơ quan công quyền diễn ra bao nhiêu giao dịch, quan hệ hành chính - dân sự - kinh tế - xã hội giữa công chức Nhà nước và người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Vậy nên, sự “êm đềm” vừa qua phản ánh thay đổi đáng ghi nhận trong các quan hệ này.
Không ít doanh nghiệp phải mất thời gian qua nhiều cửa, xin nhiều con dấu để thực hiện một dự án. Nhiều người dân, doanh nghiệp bị “hành” về thủ tục dẫn đến thiệt hại vật chất và mất cơ hội làm ăn. Vì thế, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước có đầy đủ các qui định để bảo vệ từ quyền tự do thân thể cho đến quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu. Luật qui định bồi thường trong cả các lĩnh vực quản lí hành chính cũng như tố tụng và thi hành án. Thế nhưng, có thể nói là đa số công dân, doanh nghiệp hiện nay chưa hiểu rõ, nhiều người chưa biết rằng mình có những quyền lợi chính đáng được pháp luật bảo hộ như vừa kể.
Chính sự chưa hiểu, thậm chí có người không muốn hiểu ấy đã vô tình tạo ra sự “êm đềm” tương đối, là chỗ ẩn nấp khá an toàn cho những cơ quan, công chức thiếu năng lực, hành xử thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm pháp luật.
Sự “êm đềm” tương đối còn được tạo ra bởi những bất cập khi đưa Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước vào cuộc sống. Phải thừa nhận rằng, những qui định trong Luật này rất rõ ràng, đảm bảo sự công bằng và văn minh. Nhưng chỉ dễ dàng đối với án hình sự khi thiệt hại oan sai được xác định cụ thể, còn đối với những thiệt hại do hoạt động hành chính của các cơ quan công quyền, của những người thi hành công vụ thì rất phức tạp, khó xác định lỗi, trách nhiệm, hoặc có làm được cũng mất rất nhiều thời gian… Bởi vì, qui định về trách nhiệm công vụ ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực hiện nay chưa rõ ràng, nhiều qui định làm cơ sở đánh giá hành vi của người thi hành công vụ còn lẻ tẻ, thiếu thống nhất. Thêm nữa, người dân, doanh nghiệp đã bị thiệt hại do cơ quan công quyền gây ra, bây giờ lại phải mất công sức thời gian thưa kiện để đòi bồi thường thì nhiều người không muốn làm.
Có thể ví Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước như phòng cháy chữa cháy, hay phòng bệnh chữa bệnh vậy. Không ai muốn có vụ việc sai trái thiệt hại xảy ra, nhưng cũng không thể yên tâm với sự “êm đềm” tương đối như thời gian qua. Nếu như mọi công dân, tổ chức, và các cơ quan hành chính nhà nước cùng coi trọng Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước và lấy nó làm thước đo, chuẩn mực trong quan hệ thì tính ưu việt của Luật sẽ được phát huy. Trong quan hệ này, tôn trọng người dân, tổ chức là động lực thúc đẩy cơ quan Nhà nước hoàn thiện qui định, cải thiện chất lượng phục vụ. Quá trình đó đòi hỏi cán bộ, công chức tự giác cập nhật thông tin, không ngừng nâng cao trình độ, thay đổi phong cách làm việc để thực thi chức trách tốt hơn, nếu thiếu trách nhiệm hay làm sai là phải “trả giá”.
Sẽ đến lúc không còn sự “êm đềm” tương đối để những cơ quan công quyền, những cán bộ, công chức kém năng lực, thiếu trách nhiệm ẩn nấp mãi trong đó. Và ngày ấy không còn xa nữa./.