Sự cố Thủy điện Sông Tranh 2: Bài học trong quản lý đầu tư
Không ít người đã ví kiểu khắc phục sự cố ở công trình thủy điện Sông Tranh 2 là “lợn lành chữa thành lợn què”, “cái sảy nảy cái ung”…
Suốt hai tuần qua, câu chuyện về những sự cố của đập thủy điện Sông Tranh được dư luận hết sức quan tâm. Nhận định có lúc cũng nhiều chiều, nào là do lỗi thi công, lúc thì nói do lỗi thiết kế, rồi kết luận cuối cùng của Bộ Công thương là tắc đường ống gom nước.
Trong lúc chờ kết luận cuối cùng và phương án xử lý, Ban quản lý thì tạm thời chắp vá bịt chỗ nước chảy, sau đó thì nhiều cuộc kiểm tra thanh tra, nhiều cuộc họp được tiến hành. Cơ quan chức năng, báo chí, chuyên gia phải đi đi lại lại tốn kém không ít.
Vì vậy, một góc nhìn khác về vấn đề này, đó là những thiệt hại kinh tế không nhỏ, khi để xảy ra sự cố. Nói về thiệt hại kinh tế sau vụ việc đập Thủy điện Sông Tranh 2, nhưng cũng là bài học đối với nhiều công trình khác cần lưu ý.
Điều đáng tiếc đầu tiên nhìn thấy ngay sau sự cố, đó là việc mất đi những giọt nước quý mà các hồ thủy điện đã mất công tích cóp từ mùa mưa năm trước để dành cho mùa khô. Việc tăng cường phát điện đồng thời với xả nước để khắc phục sự cố là điều bất khả kháng. Tuy nhiên, từng giọt nước chảy về hạ du không theo đúng quy luật, cũng là sự lãng phí. Bởi nước là điện, là tiền.
Trong khi ngành điện đang nỗ lực kêu gọi nhân dân tiết kiệm điện, việc xả nước từ các hồ chứa phục vụ đổ ải, sản xuất nông nghiệp cũng phải hạn chế thì việc để xảy ra sự cố rò rỉ nước dẫn đến phải xả nước ngay đầu mùa khô thực sự là điều đáng tiếc.
Nhưng điều đáng tiếc hơn lại là chuyện mất tiền khi khắc phục sự cố thiếu quy mô, bài bản ở đây. Khi phán thiếu, khi phán tắc đã dẫn đến sự lúng túng trong giải quyết hậu quả. Thủ công bưng bít bằng phun keo, phụt hóa chất, nhét giẻ… vừa mất tiền công lao động, vừa mất tiền mua vật liệu - không những không cho hiệu quả mà còn gây phản cảm, thể hiện sự lúng túng, yếu kém, thiếu khoa học trong thi công xây dựng. Không ít chuyên gia, nhà khoa học đã ví kiểu khắc phục sự cố ở công trình thủy điện Sông Tranh 2 là “lợn lành chữa thành lợn què”, “cái sẩy nảy cái ung”…
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, nếu chỉ ở cái lỗi “nước thấm qua khe nhiệt” thì sẽ đỡ tốn kém hơn trong xử lý sự cố, nhưng bây giờ lại cho đục khoét lung tung, không làm đúng kỹ thuật cho nên nước chảy ra tùm lum… “Bây giờ nó phải chặn từ phía thượng nguồn để làm lại bê tông và đường ống....” – ông Ngãi nói.
Ông Bùi Thức Khiết - Nguyên Giám đốc Nhà máy thủy điện Hòa Bình, thành viên hội đồng nghiệm thu Nhà nước công trình thủy điện Sơn La khẳng định, việc khắc phục sự cố vừa qua của Sông Tranh 2, chắc chắn phải tính “tiền tỷ”. Nhưng cái mất lớn hơn là uy tín. Bởi mất tiền mà được an dân, đảm bảo tuổi thọ công trình thì cũng chấp nhận, cho dù lẽ ra nó không đáng mất như thế.
Nhìn vào căn bệnh của Sông Tranh 2, ông Hoàng Xuân Hồng - Trưởng ban KHCN, Hội Đập lớn Việt Nam cho rằng, bệnh nặng cần phải có thuốc hay, không được chủ quan, coi thường sự cố mới có thể khắc phục triệt để được. “Nếu không sử dụng chuyên gia đầu ngành, không bắt đúng bệnh nhiều lúc xử lý tốn kém mà không hiệu quả…” – ông Hồng khẳng định.
Và trong khi tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí quản lý đang trở thành cứu cánh cho rất nhiều doanh nghiệp, thì việc “bỗng dưng mất một khoản tiền cho việc đi lại kiểm tra, họp hành…” theo cách nói của một lãnh đạo ngành công thương - là một điều không đáng có.
Tất nhiên, cái lý ở đây không phải sự “bỗng dưng”.
Nhìn lại quá trình đầu tư Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, cho thấy: Dự án này có công suất lắp đặt 190MW, với tổng mức đầu tư 5.194 tỷ đồng, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư.
Thông thường thì với các công trình trọng điểm cấp quốc gia như thế này, để đảm bảo an toàn, khách quan, thận trọng, chủ đầu tư thường thuê một cơ quan tư vấn giám sát độc lập. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều công trình thủy điện đa mục tiêu - có ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng, kinh tế và đời sống dân sinh - chủ đầu tư không thuê tư vấn giám sát độc lập mà trực tiếp do các Ban quản lý dự án (gọi là Ban A) do chủ đầu tư lập ra thực hiện giám sát.
Sẽ là rất tốt nếu Ban A có đủ năng lực về quản lý, kỹ thuật trực tiếp theo dõi, giám sát từng công việc mà mình đầu tư, theo nhiều chuyên gia - sẽ tiết kiệm được hàng triệu USD cho mỗi dự án đầu tư cỡ vài nghìn tỷ.
Tuy nhiên, với sự cố Sông Tranh 2, việc đánh đổi triệu đô lấy những khiếm khuyết cho một công trình quyết định sự an nguy của rất nhiều vấn đề bên dưới hạ du, trong khi năng lực còn chưa đủ là một sự đánh đổi mạo hiểm, chủ quan và coi thường tính mạng dân sinh.
Với sự cố này, không chỉ mất tiền của, thời gian và công sức để khắc phục, sửa chữa. Nó còn là bài học lớn trong quản lý đầu tư./.