“Sự kiện Đồi Ngô” và chuyện về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 99,9%
Năm nay mà không có “sự kiện Đồi Ngô” ở Bắc Giang thì tỷ lệ tốt nghiệp có lên tới bao nhiêu đi nữa cũng được đánh giá là “thực chất”.
- Gian lận thi THPT tại Bắc Giang: 1.600 bài thi được chấm lại
- Thầy Đỗ Việt Khoa tiếp tục cung cấp clip gian lận thi tại Bắc Giang
- Thí sinh quay clip gian lận thi tại Bắc Giang được bảo vệ
- Thầy giáo Đỗ Việt Khoa lại làm “dậy sóng” tiêu cực trong thi cử
Được biết nhiều tỉnh, thành phố đã hoàn thành chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo kết quả sơ bộ, tỉ lệ tốt nghiệp năm nay tiếp tục tăng cao hơn năm ngoái, có nơi lên tới 99,9%. Nhưng con số ấy không còn đủ sức gây bất ngờ nữa vì đã được dự đoán từ trước.
Năm 2007 là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện cuộc vận động “hai không”, tức là nói không với tiêu cực trong thi cử và nói không với bệnh thành tích. Nhờ làm nghiêm ngặt nên tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2007 trở về con số khá thực chất, trung bình trong cả nước 66%.
Nhưng bắt đầu từ năm thứ hai trở đi thì “tăng dần đều”, đến năm 2011 đã lên tới 96%. Năm nào cũng phát hiện thêm tiêu cực trong cả khâu tổ chức thi và chấm thi, nhưng tỉ lệ tốt nghiệp cuối cùng vẫn được đánh giá là phản ánh đúng thực chất.
Ảnh chụp từ clip "làm bài tập thể" tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô - Bắc Giang |
Nếu như những năm trước đã phấn đấu đạt 96 – 97% thì năm nay 99% đâu có gì khó hiểu. Còn nếu đã đạt 99% rồi thì đương nhiên sẽ phải phấn đấu lên 99,9%. Năm nay mà không có “sự kiện Đồi Ngô” ở Bắc Giang thì tỷ lệ tốt nghiệp có lên tới bao nhiêu đi nữa cũng được đánh giá là thực chất.
Có rất nhiều lý do biện giải cho những con số ấy. Thông thường lãnh đạo các Sở giáo dục sẽ nói rằng, các trường học, các thày giáo, cô giáo “đã dành thêm thời gian giúp học sinh ôn tập, hệ thống lại kiến thức và chuẩn bị kĩ càng mọi điều kiện để thi đạt kết quả tốt; nhiều trường ngoài công lập đã quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng dạy và học”...
Còn lãnh đạo Bộ thì có thể đánh giá là “đề thi năm nay vừa sức học sinh mà vẫn có tính phân loại cao, việc tổ chức thi và chấm thi nghiêm túc”... Vì thế cho nên, kết quả tốt nghiệp cao là phản ánh đúng thực chất!
Không mấy khó khăn để tin tưởng vào sự đánh giá đó. Bởi vì, nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích đâu có nghĩa là phải có nhiều học sinh trượt tốt nghiệp phổ thông trung học? Mặt khác, đối với các gia đình có con em đèn sách 12 năm trời thì ai chẳng mong muốn con mình tốt nghiệp.
Có tốt nghiệp tới 100% cũng là con số đáng mừng, bởi theo như lời của một vị lãnh đạo Bộ giáo dục đào tạo thì mục đích của kỳ thi này không phải để đánh trượt thí sinh, mà là để đánh giá trình độ thí sinh, để nhìn nhận về chất lượng giáo dục ở từng địa phương và những vùng miền khác nhau trong cả nước.
Vậy là đã rõ. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học thực sự đã và đang là một kỳ thi mang tính nhân văn rất cao, vì nó tạo cơ hội cho tất cả thí sinh. Có ai lại nỡ đóng sập bớt những cánh cửa đang rộng mở trước mặt các em. Chỉ có điều là, tình hình này chắc chắn sẽ dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và tư duy của học sinh. Các em sẽ tin rằng, chẳng cần cố gắng học tập rèn luyện làm gì nữa, bởi đằng nào cũng tốt nghiệp cả mà!?
Tỷ lệ tốt nghiệp tới 99,9% thì học sinh nào quá tệ hoặc kém may mắn mới bị đánh trượt. Mà cho dù năm nay trượt thì sang năm lại có cha mẹ, thầy giáo cô giáo quen biết lo cho, sớm hay muộn cũng có bằng tốt nghiệp thôi!
Những bước đi đầu tiên chập chững vào đời của các em được gia đình, nhà trường và cả ngành giáo dục nâng đỡ, chuẩn bị cho chu đáo như vậy, một mặt là rất đáng yên tâm, nhưng mặt khác cũng rất đáng lo ngại. Bởi, liệu các em có bị tâm lý dựa dẫm đi theo suốt cuộc đời hay không? Liệu các em có khả năng tự lập, có tinh thần phấn đấu vượt khó vươn lên sau này hay không?
Và đáng lo hơn nữa là, liệu các em có còn tin vào sự công bằng và tính trung thực nữa hay không, khi mà chưa bước chân vào đời đã tận mặt chứng kiến những sự thật bị che giấu, thật giả trắng đen lẫn lộn. Đau lòng nhất là có nhìn thấy vẫn phải coi như không thấy, biết mà phải coi như không biết.
Đừng nói chung chung là do bệnh thành tích nữa. Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thực để có những cải cách, đổi mới giáo dục phổ thông một cách đồng bộ, từ cách dạy, cách học đến cách thi, cách đánh giá và phân loại học sinh. Góp phần quan trọng cùng ngành giáo dục vượt qua chính mình trong sự nghiệp cao quí này là các bậc phụ huynh và các em học sinh.
Hãy nhớ lời Bác Hồ dạy, phải “khiêm tốn – thật thà – dũng cảm”./.