Sửa Luật Đất đai: Đảm bảo quyền lợi người sử dụng đất
(VOV) -Việc sửa đổi hệ thống pháp luật nói chung, đều hướng đến mục tiêu cốt lõi là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Trong số gần 7 triệu lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi suốt hai tháng qua, có gần 2 triệu ý kiến xoay quanh vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Điều đó cho thấy những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất, luôn được các chuyên gia, nhà khoa học và người dân đặc biệt quan tâm. Bởi suy cho cùng, việc sửa đổi Luật Đất đai nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, đều hướng đến mục tiêu cốt lõi là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Thời gian qua, sự bất cập của pháp luật về đất đai đã tạo kẽ hở cho không ít cá nhân, doanh nghiệp trục lợi nấp dưới cái vỏ thu hồi đất. Tại phiên họp thứ 17 UBTV Quốc hội vừa rồi, khi nghe Bộ TN-MT trình bày Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau khi đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã dùng ba chữ “rẻ như bèo” để nói về giá đền bù trong những trường hợp thu hồi đất. Bởi theo ông “có trường hợp, người dân mất 100m², nhưng sau đó, tiền đền bù lại không mua nổi 1m²”.
Đất của dân bị thu hồi được đền bù với giá thấp, sau khi san lấp mặt bằng, làm mấy con đường ngang dọc và dựng xong mấy hàng cột điện, giá đất đã đội lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Chính vì vậy, ông Hiện cho rằng: Khoản 1, Điều 72 của Dự thảo quy định về giá đền bù “không có gì mới”, và “nếu không giải quyết rốt ráo chỗ này thì chẳng giải quyết được gì”.
Nhắc lại câu chuyện trên nghị trường để thấy rằng không có gì phải ngạc nhiên, khi trong rất nhiều nội dung cần sửa đổi của Luật Đất đai, các ý kiến góp ý lại tập trung vào những khúc mắc xung quanh vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dân.
Đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Quan điểm ấy được thể hiện xuyên suốt hàng chục năm qua. Nhà nước giao đất cho dân sử dụng, khi cần phục vụ quốc phòng an ninh, mục tiêu công cộng thì nhà nước có thể thu hồi. Điều này người sử dụng đất cũng dễ dàng chấp nhận. Nhưng, cái mà họ chưa đồng tình, gây thắc mắc, khiếu kiện lâu nay chính là những lợi ích mà một số cá nhân có được nhờ "núp bóng" các dự án phát triển kinh tế xã hội để thu hồi đất của dân.
Là một nước đi lên từ nông nghiệp, nếu không thu hồi đất phục vụ cho các chương trình, dự án kinh tế - xã hội thì chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu công nghiệp hóa đất nước. Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà nước là phải tìm ra phương thức quản lý hữu hiệu để vừa đảm bảo quỹ đất phục vụ yêu cầu phát triển, vừa đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, và không để tài nguyên đặc biệt của quốc gia bị một số cá nhân lợi dụng.
Để Nhà nước làm tròn trách nhiệm đó, trước hết Luật Đất đai phải có những quy định cụ thể, rõ ràng. Chính vì vậy, sau khi lấy ý kiến người dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Ban soạn thảo phải làm rõ: Thế nào là dự án phát triển kinh tế xã hội, dự án nào thuộc mục đích quốc phòng hoặc phục vụ lợi ích công cộng, khẳng định rõ việc trưng thu, trưng mua, hay thu hồi đất... Nếu không, luật không thể thực thi.
Người sử dụng đất, đặc biệt là nông dân, vốn không quan tâm nhiều đến những ngôn từ hoa mỹ, những khái niệm chuyên ngành khó hiểu mà các nhà làm luật luận bàn. Điều quan trọng họ cần là sự công tâm, công bằng, là quyền lợi được pháp luật đảm bảo như thế nào, là cuộc sống gia đình sau khi bị thu hồi đất sẽ ra sao?./.