Suy giảm kinh tế - có nên quá bi quan?

Xét trên nhiều bình diện, âu lo là cần thiết, còn bi quan là chưa cần.

Chính phủ và Quốc hội đều nhận định, tình hình phát triển kinh tế năm qua và những tháng đầu năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, dẫn đến hiện tượng suy giảm tăng trưởng. Tuy nhiên, mức độ suy giảm từ nay đến cuối năm sẽ ra sao, và nên nhìn nhận hiện tượng này như thế nào để tránh sự bi quan thái quá, cũng như không rơi vào trạng thái “bình chân như vại” khi diễn biến nền kinh tế có xu hướng xấu đi?

Đối với nhiều người, việc Quốc hội và Chính phủ thẳng thắn thừa nhận tình hình suy giảm kinh tế từ đầu năm đến nay có thể gây tâm lý âu lo, thậm chí bi quan. Đặc biệt, tâm lý này còn được cộng hưởng bởi những thông tin liên tục nóng sốt về tình trạng doanh nghiệp phá sản với tốc độ gia tăng nhanh chóng từ cuối năm 2011 đến nay.

Tuy nhiên, nếu suy xét trên nhiều bình diện, thì âu lo là cần thiết, còn bi quan là chưa cần. Các chuyên gia nghiên cứu độc lập đã chỉ ra nhiều lý do, trong đó có những lý do cơ bản để không phải quá bi quan trước tình hình kinh tế suy giảm hiện nay.

Có nhiều nguyên nhân khiên dư luận không nên quá bi quan vào suy giảm kinh tế

Thứ nhất, nhiều năm nay nước ta luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%, thậm chí ngay cả khi tốc độ tăng trưởng bình quân toàn thế giới chỉ đạt 4 – 4,5%. Tốc độ tăng trưởng này đã được nhiều tổ chức kinh tế thế giới khen ngợi, nhưng cũng đưa ra lời cảnh báo là “hãy cẩn thận với tăng trưởng nóng”.

Bởi quả thực, sự “say sưa” tăng trưởng đã dẫn đến nhiều hệ lụy, như khai thác tài nguyên quá mức, nhiều khi lãng phí; đầu tư tràn lan dàn trải và không phù hợp với điều kiện và trình độ quản lý. Sự “say sưa” này còn thể hiện ở việc nhiều tập đoàn kinh tế lớn vay nước ngoài những khoản tiền lớn để đầu tư mà không nghĩ đến lúc trả nợ; thậm chí “quăng” tiền cả vào những ngành nghề mà mình không am hiểu, dẫn đến những khoản nợ kếch xù.

Không ít ngân hàng cũng “chạy theo tăng trưởng nóng” mà buông lỏng “dây cương” đối với tỷ lệ nợ xấu, khiến ngay cả những ngân hàng lớn, có tên tuổi, xưa nay vốn nổi tiếng là hoạt động thận trọng, hiệu quả cao như Vietcombank, Vietinbank… cũng phải chịu cảnh tỷ lệ nợ xấu tăng gấp đôi chỉ trong vòng 1 năm.

Sự tăng trưởng nóng cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư tài chính, khiến cho các kênh đầu tư tài chính đều rơi vào tình trạng lúc sốt rất cao, lúc hạ nhiệt rất thấp, dẫn đến sự bấp bênh trong sử dụng vốn. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp luôn phải đối diện với nguy cơ mất cân đối tài chính.

Điều này đã được minh chứng, khi hàng chục nghìn doanh nghiệp phải giải thể từ cuối năm ngoái đến nay chủ yếu vì lý do mất thanh khoản. Vì thế, giai đoạn này có chậm lại để suy ngẫm, điều chỉnh, cũng là cần thiết.

Thứ hai, công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế mà chúng ta đang bắt đầu cũng cần sự hy sinh nhất định, vì vậy, suy giảm hiện nay là ở mức độ chấp nhận được, nếu như chúng ta có thể kiểm soát được tốc độ này.

Thứ ba, nếu suy giảm để “xốc” lại nền kinh tế, để tạo đà cho tăng trưởng bền vững tiếp theo, thì đây là sự chậm lại có nghĩa.

Điều đáng nói là, suy giảm đến đâu là mức độ chấp nhận được, để không ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội? Và thực sự đợt suy giảm này có phải là hệ quả tích cực của quá trình tái cơ cấu, hay là hậu quả những bất cập của chính sách kinh tế thiếu đồng bộ thời gian qua?

Nếu đà suy giảm tiếp tục giảm sâu, cần phải nghĩ tới lý do thứ hai, khi những biện pháp tái cơ cấu chưa thực sự hiệu quả, khiến cho doanh nghiệp lúng túng, mất cơ hội kinh doanh, phải đương đầu với quá nhiều biến động cùng lúc, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh sụt giảm.

Không quá bi quan là thái độ cần thiết lúc này. Nhưng rõ ràng cũng không thể “yên tâm kê cao gối ngủ”, khi nền kinh tế nước ta còn tiềm ẩn nhiều bất cập, nhiều vấn đề cần định hướng lại để có thể tạo ra động lực mới cho tăng trưởng bền vững.

Chắc chắn, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế cần phải làm quyết liệt hơn nhưng cũng bài bản hơn, mới đạt được tốc độ tăng trưởng mong muốn với sự bền vững cần thiết. Nếu không, hệ lụy của chúng sẽ lại bộc lộ sau nhiều năm nữa. Và ngày càng hậu quả sẽ càng khó khắc phục hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên