Suy nghĩ nhỏ từ mục tiêu lớn
Mỗi công dân nước Việt, dù ở trong nước hay ngoài nước đều đang hướng về Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI với tất cả trí tuệ và tâm sức, suy nghĩ và hành động nhằm góp phần vào sự phát triển hiện tại và tương lai của đất nước.
Dự thảo các văn kiện của Đại hội Đảng đã nêu ra mục tiêu lớn: Xây dựng xã hội XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là khát vọng, là ước mơ của bao nhiêu thế hệ nối tiếp hy sinh gian khổ, phấn đấu không ngừng vì hạnh phúc, ấm no mà Đảng ta và Bác Hồ kính yêu từng vạch lối, đưa đường.
Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng nêu rõ: Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là xã hội do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Đảng trong thời kỳ quá độ lên XHCN hay trong giai đoạn 2011 - 2020 đều khẳng định vai trò quan trọng của con người. Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.
Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội không thể tách rời chiến lược phát triển con người, vì hạnh phúc và sự phát triển tự do của con người. Con người phát triển bền vững là con người mạnh khoẻ về thể chất, phát triển cao về trí tuệ, tâm hồn, con người có tri thức khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có năng lực sáng tạo với sự nỗ lực và trợ lực lớn để hoàn thành bất cứ sự nghiệp cao cả nào. Con người còn cần có vốn sống dồi dào, có kinh nghiệm thực tiễn.
Thực tế phát triển kinh tế và xã hội của nước ta trong các giai đoạn cách mạng vừa qua cho thấy: Nước ta có nguồn lao động trẻ dồi dào nhưng chất lượng lao động, nguồn nhân lực còn yếu kém chưa đáp ứng được những mục tiêu công nghiệp hoá và hiện đại hoá.
Thực trạng phát triển kinh tế, xã hội hiện nay cũng cho thấy do chưa có tầm nhìn chiến lược nên nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, đầy hoài bão và tiềm năng chưa được đào tạo và sử dụng để trở thành động lực hàng đầu của phát triển kinh tế xã hội mà ngược lại lại trở thành yếu tố kìm hãm tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá của nước ta.
Đó là chưa nói đến sự thất thoát lớn một đội ngũ những lao động có tri thức cao và tay nghề giỏi sau khi được đào tạo ở ngoài nước không trở về làm việc và nghiên cứu khoa học phục vụ cho đất nước mà họ ở lại phục vụ cho nước sở tại. Vì chúng ta thiếu cơ sở và cơ chế cho việc nghiên cứu và sản xuất.
Dự thảo cương lĩnh đã nêu rõ: Nhà nước quy định và bảo vệ quyền công dân, quyền con người, đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người, chỉ có như thế mới có tự do sáng tạo trong một xã hội dân chủ.
"Xã hội XHCN dân giàu" là giàu cho toàn bộ xã hội chứ không chỉ cho một bộ phận dân chúng. Nước mạnh là nước có kinh tế phát triển cao, an ninh, quốc phòng vững. Dân chủ và công bằng được thể hiện qua vai trò của cá nhân, cộng đồng trong kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, hưởng thụ thành quả vật chất và tinh thần. Văn minh là tiêu chuẩn sống của con người được xây dựng qua nhiều thế hệ. Như vậy chiến lược phát triển con người bền vững vẫn là khát vọng cao cả và đầy khó khăn, phức tạp hơn cả. Trong “vũ trụ nhỏ” con người chứa đựng tất cả: thế giới trần gian và thế giới tâm linh. Các Mác, người sáng tạo nên học thuyết vì con người đã từng nói: “Tất cả những gì thuộc về CON NGƯỜI đều quen thuộc với tôi”.
Đó có lẽ cũng là suy nghĩ thường ngày của mỗi công dân Việt Nam khi đặt niềm tin vào Cương lĩnh (bổ sung) và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội (2011 - 2020) của Đảng./.