Tái cơ cấu VINASHIN và bài học giám sát các tập đoàn

Sở hữu số tài sản nhà nước cực lớn, không ít các tập đoàn đã được nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế cảnh báo từ vài năm trước về hiệu quả sử dụng vốn rất thấp…

>> Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kỳ họp thứ 32

Một trong những câu chuyện thời sự nhất trong những ngày này trong lĩnh vực kinh tế là câu chuyện tái cấu trúc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt nam (VINASHIN). Đến nay số nợ của VINASHIN ước tính đã lên tới 80.000 tỷ đồng. Từ câu chuyện VINASHIN có thể rút ra bài học gì về công tác kiểm tra, giám sát các tập đoàn kinh tế?

Dù chủ trương ban đầu với các tập đoàn là chỉ làm thí điểm, nhưng có thể nói, đa phần các Tập đoàn hiện nay được ví như những người khổng lồ khó quản, thậm chí không thể kiểm soát được. VINASHIN là một ví dụ như thế. Sở hữu số tài sản nhà nước cực lớn, VINASHIN và không ít các tập đoàn hiện nay đã được nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế cảnh báo từ vài năm trước: hiệu quả sử dụng vốn rất thấp- dưới 10 %....

Nếu ví von một cách hình ảnh thì quản lý tập đoàn cần phải làm theo kiểu “có ga thì phải có phanh”. Ấy thế nhưng, chúng ta đã để tập đoàn này và không ít tập đoàn khác “ vù ga” một cách khá thoả mái với nhiều siêu dự án, với hàng đống tiền, gồm cả vốn tự có, cả vay nợ trong nước và vay nước ngoài. Để rồi khi các siêu dự án này phát triển quá “nóng”, vượt khả năng tài chính đã khiến VINASHIN lãnh rủi ro khi xảy ra biến động thị trường .

Thế nhưng cỗ xe cồng kềnh này đã lao đi quá nhanh mà không phanh lại kịp thời, hoặc hệ thống phanh quá yếu. Hậu quả của VINASHIN đã thấy rõ khi việc lên Tập đoàn của VINASHIN đã được nhiều người cảnh bảo chỉ là “bình mới rượu cũ”, hay nói cách khác chỉ là sự sự thay đổi về vỏ từ một mô hình Tổng công ty lên Tập đoàn, trong khi trình độ quản trị không được nâng cấp tương xứng .

Vài năm trước người ta chưa quên chuyện không ít các tập đoàn đầu tư lấn sân lẫn nhau, thậm chí “chân ngoài dài hơn chân trong” khi đổ hàng nghìn tỷ đồng vào chứng khoán, tài chính, bảo hiểm hay góp vốn vào các quỹ đầu tư…. Kết quả giám sát của Đoàn Giám sát Quốc hội công bố thời điểm hết năm 2008, đã có 47 tổng công ty, tập đoàn lớn thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” kiểu này với số tiền đầu tư lên tới 21.000 tỷ đồng. Khi thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, hầu hết các doanh nghiệp lớn này đều thua lỗ.

Đã có ý kiến nhận định: sự hình thành và phát triển quá nhanh của các tập đoàn thời gian qua đã vượt quá tầm quản lý của cơ quan chức năng và cũng vượt quá chính khả năng điều hành của các doanh nghiệp này. Trong cuộc họp báo mới nhất thông báo phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ cuối tuần trước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cũng thừa nhận một thực tế đáng buồn là: “Có trường hợp VINASHIN mua tàu, đưa về nước rồi các cơ quan chức năng mới biết….”

Điều đó cho thấy rằng đã đến lúc cần phải cải cách cơ chế giám sát của chủ sở hữu. Đã có những gợi ý hay là sớm lập ra ủy ban quản lý công sản độc lập với chức năng quản lý nhà nước để thực hiện việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Hay quản lý các tập đoàn theo kiểu hình tháp, tức là Nhà nước không bơm nhiều vốn, nhưng nắm đỉnh tháp và bên dưới đa sở hữu các loại cổ phần để phát triển các công ty cổ phần đại chúng, kèm với đó là sớm ban hành luật kinh doanh về vốn.

Nói cách khác, từ câu chuyện VINASHIN, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc và khẩn trương hơn về mô hình hoạt động, cơ chế quản lý và giám sát các tập đoàn nhà nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên