Tạm biệt 2010, chỉ mang theo niềm tin và khát vọng
Năm 2010 đã đi đến những giờ phút cuối cùng. Một năm trôi đi thật nhanh với đầy ắp sự kiện xảy ra với đất nước và đời sống của mỗi gia đình, mỗi cá nhân.
Điều ấn tượng là tất cả vẫn đang tiến về phía trước. Tuy vậy, trong xu hướng chủ đạo ấy cũng có những gập ghềnh, quanh co, những sự kiện, những vấn đề khiến xã hội lắm phen xao động. Chúng ta hãy cùng nhìn lại năm cũ với một vài câu chuyện.
Nhìn vào 10 sự kiện- vấn đề nổi bật của năm 2010 mà Đài Tiếng nói Việt Nam bình chọn, thấy bên cạnh nhiều điều vui thì cũng có bằng ấy điều chưa vui. Đó là thảm cảnh thiên tai gây ra thiệt hại nặng nề cho miền Trung; Sự thất bát của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế; Tình trạng bạo hành trẻ em gia tăng và xu hướng bạo lực trong giới trẻ đã ở mức đáng lo ngại; Và đặc biệt là sự cố của tập đoàn Vinashin. (Có lẽ Vinashin là thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất trong năm nhưng không phải với nghĩa tích cực).
Những chuyện không vui đó đã xảy ra, bên cạnh nhiều nguyên nhân đã được phân tích, mổ xẻ, suy cho cùng vẫn có nguyên nhân sâu xa từ con người.
Miền Trung năm nào cũng là trọng điểm mưa, bão, lũ. Tuy diễn biến mưa lũ không năm nào giống năm nào nhưng có một điểm trùng hợp là luôn gây ra thiệt hại quá lớn về người và của. Điều bi kịch là một chiếc xe khách chạy qua đây, do con người bất cẩn, mà sinh mạng hàng chục người, trong đó có cả trẻ em và những người đang tuổi thanh xuân, bị cướp đi. Sau những thiệt hại như thế, hàng loạt cuộc tranh luận đã nổ ra về tình trạng lạm phát các công trình thủy điện ở miền Trung, nạn phá rừng bừa bãi, về trách nhiệm của các ngành, các cấp trong phòng tránh thiên tai, lo cho sự an nguy của người dân.
Tương tự như vậy, bạo hành trẻ em tiếp tục là một vấn đề nhức nhối, đáng lo hơn nữa là tình trạng đối xử với nhau bằng bạo lực trong giới trẻ, được ghi hình lại rồi tung lên mạng Internet, rồi vụ án Nguyễn Đức Nghĩa… khiến chúng ta phải suy nghĩ về nguồn gốc sâu xa của bạo lực, về sự đổ vỡ của nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội. Nền giáo dục Việt Nam và cả xã hội, trong đó có từng cá nhân, chắc chắn có lỗi vì chưa hành động đủ, hoặc quá thờ ơ, bàng quan với cái xấu và cái ác. Rõ ràng, chúng ta chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Có thể nói những tranh luận về trách nhiệm, truy đến cùng trách nhiệm là nét nổi bật diễn ra sau các sự kiện, vấn đề nóng của năm 2010.
Đó là một tín hiệu vui.
Thái độ của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thái độ của những nhân vật trung tâm các sự kiện ấy chắc chắn còn được lịch sử và nhân dân ghi nhớ, đánh giá. Điều mừng rút ra từ các cuộc tranh luận nổi sóng trên nghị trường, được phát thanh truyền hình trực tiếp, không hề giấu giếm nhân dân; hay từ các cuộc thảo luận ngày càng cởi mở hơn trên báo chí, chính là sự minh định trách nhiệm, bổn phận của mỗi người trong hệ thống. Điều đó giúp tạo ra sự hiểu biết, thông cảm, chia sẻ. Và đấy là con đường tốt nhất để tạo ra sự đồng thuận xã hội cho những công việc lớn của quốc gia.
Và chỉ có đề cao tinh thần dân tộc, ý thức rõ ràng về trách nhiệm trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, dù là việc nhà hay việc nước, ta mới có một quốc gia phát triển bền vững, có trách nhiệm với chính mình và với tương lai. Chỉ có nhấn mạnh trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân, chúng ta mới chọn được những người xứng đáng để giao phó những nhiệm vụ vô cùng hệ trọng với vận mệnh đất nước và dân tộc trong giai đoạn tiếp theo.
Người xưa có câu: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (Sự hưng thịnh hay suy vong của đất nước có liên quan đến cả những người dân thường). Một khi nhân dân quan tâm sâu sắc đến chính sự, cùng bàn bạc, thảo luận, hiến kế cho những người nắm chính sự, thì đấy chính là hồng phúc của dân tộc và của Đảng. Bởi chỉ khi có tâm huyết, nhân dân mới quan tâm đến chính sự, vui buồn cùng chính sự.
Bởi thế mà trong một năm đầy ắp các sự kiện đối ngoại, phong thái đàng hoàng đĩnh đạc của những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chinh phủ khi giao thiệp quốc tế, chủ trì các phiên họp qui tụ lãnh tụ các cường quốc lớn trên thế giới và thu được những thành công ngoại giao hiếm thấy… đã tạo ra niềm phấn khởi lan tỏa khắp các tầng lớp nhân dân, cả trong nước và nước ngoài. Và niềm vui của giáo sự Ngô Bảo Châu và gia đình ông khi giành giải thưởng toán học Fields danh giá lại được nhân lên trở thành niềm tự hào quốc gia, thành niềm vui của tất cả người Việt Nam…Cũng như vây, khi chứng kiến những hình ảnh thương tâm của bé Hào Anh ở Cà Mau bị bạo hành dã man thì cả xã hội đều nổi giận.
Thế nên, khi nhìn lại những sự kiện, những vấn đề gây bức xúc trong xã hội, những việc chưa thành công trong năm 2010, chính là muốn đề cao một quyết tâm không để xảy ra những điều tương tự trong tương lai, quyết tâm hành động đẩy lùi và loại bỏ cái xấu và cái ác, nhân lên điều thiện, lòng nhân ái trong xã hội, quyết tâm không để lập lại những sai lầm, khuyết điểm có thể tổn hại đến sự nghiệp Đổi mới…Thất bại là mẹ thành công, nhìn thẳng vào nó là chúng ta đã đặt một bước đầu tiên rất quan trọng để đi tới thắng lợi.
Nhất định phải để lại quá khứ những chuyện buồn, chỉ mang vào năm mới niềm tin và khát vọng. Với tâm thế này, chúng ta cùng nói lời chào tạm biệt năm 2010./.