Tận diệt lòng tham!

Trong những vấn đề dân sinh nổi bật và được dư luận quan tâm nhiều nhất năm 2009, vấn đề hàng đầu chính là tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm!

Dù chưa thống kê một cách đầy đủ thì trong năm qua cũng đã có tới 111 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.128 người mắc, 31 người tử vong. Những con số đó thực sự mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi mà mỗi ngày trên các trang báo lại xuất hiện thêm thông tin về những thứ độc hại từ thức ăn. Vệ sinh thực phẩm, đã đến lúc cần phải có một chương trình hành động quốc gia mà trong đó quan trọng nhất chính là tận diệt lòng tham của những kẻ bất lương.

Khi lòng tham phủ mờ đạo lý

“Nên nhìn thẳng vào sự thật để cấp cứu nhân dân!” - Đó là ý kiến của đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, bà Phạm Thị Thành khi đề cập vấn đề kiểm soát thực phẩm bẩn trong phiên họp HĐND thành phố Hà Nội hồi cuối năm 2009. Vị đại biểu này không hề quá lời khi dùng từ “cấp cứu”. Sự thật, từ cháo dinh dưỡng cho trẻ em cũng nhiễm độc, rồi mỡ bẩn, bì lợn thối, dầu cặn... được dùng để chế biến thức ăn. Những câu chuyện kinh hoàng về thực phẩm đã vượt quá khả năng tưởng tượng của những người có lương tri. Cấp cứu! Đó là điều mà người dân đang thực sự cần đến khi mà chúng ta đang tự đầu độc mình bằng nhu cầu hàng đầu của cuộc sống - ăn.  

Gần 100 tấn thịt trâu, bò trong tình trạng hôi thối đã vượt qua các khâu kiểm tra, vận chuyển từ Thạch Thất - Hà Nội về TP. Hồ Chí Minh. Chủ hàng thừa nhận có khoảng 10 tấn đã được bán cho một số nhà hàng, quán ăn ở TP. HCM.

Vì sao người ta lại giết nhau bằng việc đầu độc thực phẩm? Đó là một câu hỏi đau đớn nhưng không thể không đặt ra khi mà liên tiếp những vụ việc sử dụng nguyên liệu bẩn để sản xuất thực phẩm xảy ra trong năm qua. Khi những vụ việc cũ chưa khiến người dân hết kinh hoàng thì những vụ việc mới lại tiếp tục bị phanh phui. Đừng mơ hồ khi nghĩ rằng những người sản xuất thực phẩm bẩn không biết rằng họ đang đầu độc đồng bào mình! Lương tâm họ đã hoàn toàn bị lòng tham chi phối.

Thực phẩm không an toàn là vấn đề chung của toàn cầu. Năm 2006, ở Mỹ cũng đã từng phát hiện hàng ngàn tấn rau bi-na có chứa vi khuẩn gây chết người. Năm 2008, tại Trung Quốc cũng đã có 3 kẻ bị tử hình vì vụ sữa nhiễm melamine. Tất cả đều xuất phát từ lợi nhuận. Điều đó cho thấy lòng tham của con người thì ở đâu cũng có. Song, lòng tham trong câu chuyện thực phẩm bẩn ở nước ta thì đáng sợ hơn rất nhiều. Câu chuyện rau bi-na nhiễm khuẩn ở nước Mỹ, chuyện sữa độc ở Trung Quốc... dù nghiêm trọng, song là chuyện của một vài cá nhân, của các ông chủ tập đoàn tham lam.

Lòng tham trong câu chuyện thực phẩm bẩn ở nước ta mang tính chất của một bệnh dịch khi mà nó diễn ra ở khắp nơi, và xuất hiện hàng ngày, hàng giờ chứ không phải một vài câu chuyện đột biến. Vì lòng tham ấy mà rất nhiều chủ cơ sở sản xuất đã bất chấp đạo lý, sẵn sàng tiếp tục đầu độc đồng bào mình ngay cả khi báo chí và công luận đang bày tỏ sự phẫn nộ tột cùng. Bất chấp tất cả! Đó mới thực sự là biến chứng cuối cùng của lòng tham, và điều này không còn là vấn đề đạo lý, đó là tội ác, là vấn đề pháp lý, và đã đến lúc cần có sự trừng phạt nghiêm khắc hơn để tận diệt lòng tham.

Luật thôi chưa đủ!

Sáng 13/1/2009, Thanh tra Sở Y tế TP. HCM phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường kiểm tra đột xuất hai cơ sở sản xuất bì heo tại số 407 đường Chiến Lược (Bình Trị Đông A, Bình Tân) và một hộ gia đình ở Bến Phú Định (phường 16, quận 8), phát hiện bì heo nguyên liệu được chất thành đống dưới nền đất hoặc trong các thùng chứa cáu bẩn và gần 20 thùng nhựa bên trong chứa hóa chất ngâm da heo để tẩy trắng.

Trước những thông tin triền miên, trước nỗi phẫn nộ và hoang mang của người dân, vấn đề thực phẩm bẩn đã được đặt lên bàn nghị sự của cơ quan quyền lực cao nhất. Dự thảo Luật An toàn thực phẩm đã được hoàn thiện và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII vừa qua. Kết thúc năm 2009, đã có 63/63 tỉnh, thành phố thành lập chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm đặt trong sở y tế. Công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm được nâng lên một bước từ Trung ương đến các địa phương; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm được đẩy mạnh. Khung pháp lý đã được xây dựng, song liệu chừng đó đã đủ để người dân an tâm? Câu trả lời là chưa, đặc biệt khi mà nhiều cơ quan chức năng chưa thể hiện sự sẵn sàng vào cuộc.

Trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đầu tháng 12 năm 2009 về vấn đề thực phẩm bẩn, ông Đào Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng: “Vi phạm ở ta chưa ai chết nên khó xử lý hình sự” - Câu trả lời đặc biệt bất ngờ này của một vị phó chủ tịch thành phố đã trở thành đề tài được bàn luận nhiều nhất trong những ngày cuối năm của người dân cả nước. Nếu những loại thực phẩm bẩn trực tiếp gây chết người thì có cần các đại biểu phải chất vấn nữa hay không? Không khó để xác định mức độ nguy hại của những loại thực phẩm bẩn đối với sức khoẻ cộng đồng, nhưng chừng đó phải chăng là chưa đủ để đưa ra biện pháp ngăn chặn cần thiết đối với những kẻ thủ ác? Là người phát ngôn của cơ quan chịu trách nhiệm về những vấn đề an sinh của thành phố, nhưng câu trả lời của ông đã làm người dân không an tâm.

21h45 ngày 9/9/2009, lực lượng kiểm tra tuyến CATP Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng tuần tra kiểm soát tại khu vực đường Pháp Vân, phát hiện xe ô tô hiệu ISUZU, BKS 30K-9137 đi hướng về phía trung tâm thành phố, chở gần 3 tấn mỡ bốc mùi hôi thối khó chịu. Cảnh sát môi trường phán đoán không loại trừ số mỡ này được thu mua về làm... nhân bánh Trung thu.
Trên thực tế, những lò sản xuất độc hại tồn tại ngay trong khu dân cư mà chỉ bị phát hiện bởi cảnh sát môi trường. Có hay không sự vô cảm của không ít cán bộ các cấp chính quyền từ cơ sở phường, xã trở lên? Luật pháp, chế tài là cần thiết, song chừng đó chưa đủ! Để tận diệt lòng tham, ngoài luật pháp, chế tài thì những người thực thi pháp luật còn phải ý thức được trách nhiệm của mình với nhân dân./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên